Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Hành động của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính của Việt Nam chẳng khác nào "vừa ăn cướp vừa la làng".

TTO - Tính đến nay, Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gần 3 tháng, khi ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống vào khu vực bãi Tư Chính quấy phá.

Cảnh Sảng, đừng ngụy biện nữa! - Ảnh 1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng - Ảnh: AFP
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bảy lần lên tiếng và mỗi lần, phía Trung Quốc đều đáp trả rất ngang ngược. Trong lần gần nhất, ngày 18-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã rêu rao giọng điệu "vừa ăn cướp vừa la làng" khi đáp trả lại Hà Nội về vấn đề này.
Bãi Tư Chính là của Việt Nam
Trong phát ngôn của mình, Cảnh Sảng nói: Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền tại quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các quyền lợi tương ứng đối với các vùng biển xung quanh quần đảo này. Bắc Kinh cho rằng yêu sách chủ quyền của mình dựa theo luật và lịch sử.
Không cần phải rơi vào bẫy tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc để loại trừ việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế và đẩy tranh chấp vào thế bế tắc, Việt Nam cũng có thể chứng minh rằng các diễn biến đang xảy ra ở bãi Tư Chính không thể nằm trong vùng biển của Trung Quốc, mà đó là vùng biển của Việt Nam.
Nguyên tắc tối quan trọng trong các vấn đề pháp lý đối với biển đó là "đất thống trị biển", nên các "vùng đất" khác nhau trên biển sẽ có các vùng biển khác nhau tương ứng. Nếu đó là các đảo, vùng biển xung quanh đảo sẽ có chiều rộng 200 hải lý. Nếu nó chỉ là các phần đất nhô lên khỏi mặt nước biển khi thủy triều lên, không có khả năng cho con người tự sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng, thì vùng biển xung quanh chỉ rộng 12 hải lý.
Còn các vùng đất giữa biển nằm dưới mặt nước biển khi thủy triều lên cao sẽ không thể có các vùng biển xung quanh nó, dù cho có bị bồi đắp hay xây dựng các công trình nhân tạo ở trên.
Vị trí của bãi Tư Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý, cách Chữ Thập (của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) gần 230 hải lý, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý.
Với vị trí này, dù Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tại quần đảo Trường Sa cũng không thể với tới bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng biển của Việt Nam.
Đó là chưa tính đến việc theo phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 7-2016 (mang tính chất chung thẩm và có giá trị pháp lý thậm chí khi cả hai bên trong vụ kiện không còn tồn tại), tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa không thể tạo ra vùng biển xung quanh nó nhiều hơn 12 hải lý.
Vừa ăn cướp, vừa la làng
Trong phát ngôn ngày 18-9, Cảnh Sảng cho rằng Việt Nam vi phạm các văn bản quốc tế song phương và đa phương đã ký kết với Trung Quốc, trong đó có: (1) Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, (2) Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), và (3) Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Cần phải khẳng định lại chính Trung Quốc đã vi phạm tất cả các văn bản mà Cảnh Sảng vừa nêu ra. Trung Quốc tiếp tục đơn phương yêu sách các vùng biển chồng lấn với vùng biển của Việt Nam mặc dù các yêu sách này đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ.
Trung Quốc đã có những hoạt động đơn phương cản trở các hoạt động khai thác kinh tế của Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự tại các đảo nhân tạo phi pháp của mình trong vùng Biển Đông và làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường biển tại đây.
Trung Quốc né tránh sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình như sử dụng hòa giải, trọng tài và tòa án, để giải quyết mâu thuẫn tại Biển Đông khiến các tranh chấp tại đây trở nên dai dẳng và ngày càng phức tạp.
Những sự việc này càng cho thấy các cáo buộc của Trung Quốc đối với Việt Nam chẳng khác nào "vừa ăn cướp vừa la làng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét