Không mải mê chạy theo các giá trị về mặt kinh tế, người dân Bhutan theo đuổi một giá trị duy nhất của mình: hạnh phúc.
Tự hào về truyền thống của mình, người Bhutan đã từng từ chối tiếp nhận các ảnh hưởng từ bên ngoài. Đất
nước này chỉ mở cửa du lịch vào những năm 1970. Bhutan đã quyết định tiếp cận với phương Tây thông qua khái niệm "Chỉ số Tổng hạnh phúc Quốc gia". Đây là chỉ số về phát triển bền vững, quan trọng không kém gì những số liệu kinh tế.
"Người Bhutan chúng tôi rất độc đáo. Chúng tôi phụ thuộc khá nhiều vào các giá trị quốc gia", Thủ tướng Bhutan - bác sĩ Lotay Tshering - cho biết. "Chúng tôi không bao giờ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia."
"Khi nhắc tới Tổng Hạnh phúc Quốc gia, nó không phải là kiểu hạnh phúc ‘Ha ha - Ho ho’ mà chúng ta vẫn tìm kiếm trong cuộc sống", ông Lotay giải thích. "Nó có nghĩa là sự hài lòng, sự kiểm soát tâm trí, kiểm soát những mong muốn trong đời. Đừng ghen tị với người khác, biết hạnh phúc với những gì mình có, sống vị tha và xây dựng một xã hội nơi bạn vui vẻ vì được chia sẻ".
"Đức vua của chúng tôi gọi Tổng Hạnh phúc Quốc gia là sự phát triển theo các giá trị", ông Lotay tiếp tục nói. "Nếu một chính sách không đạt được chỉ số hạnh phúc cần thiết, nếu chính sách đó không thân thiện với môi trường, nếu chính sách đó không khiến cho người Bhutan được khỏe mạnh, nó sẽ không bao giờ được chấp thuận tại đây".
Tổng Hạnh phúc Quốc gia
Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và Tổng Hạnh phúc Quốc gia là nơi chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc khảo sát về Tổng Hạnh phúc Quốc gia tại Bhutan. Họ sẽ hỏi những câu đại loại như "Bạn cảm thấy hạnh phúc đến mức nào vào hôm qua?" và "Bạn có thường xuyên tập thiền không?"
Cứ 5 năm/lần, họ lại tổ chức điều tra 9 lĩnh vực then chốt của hạnh phúc: sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, giáo dục, sự quản lý của chính phủ, hệ sinh thái, cách sử dụng thời gian, sức sống cộng đồng, văn hóa và mức sống. Cho đến nay, đã có 2 cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2010 và 2015. Cuộc khảo sát tiếp theo sẽ diễn ra vào năm tới.
Có hơn 7.000 người dân Bhutan tham gia vào cuộc khảo sát năm 2015. Kết quả thu được đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
"Những thành tố như mức sống, sức khỏe, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục đều đang được cải thiện tại Bhutan", Tshoki Zangmo - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm cho biết.
"Tuy nhiên, các thành tố như sức khỏe tinh thần và chỉ số tín nhiệm về sức sống cộng đồng thì lại đang giảm", cô bổ sung. "Chỉ số tín nhiệm tại các khu vực thành thị trên cả nước đang giảm dần".
Sự thực là, Bhutan không phải quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Nó chỉ đứng thứ 95/156 quốc gia trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019. Nguyên nhân là do đói nghèo, các thách thức kinh tế và bình đẳng xã hội tại quốc giá mà nghề nông vẫn chiếm phần lớn này.
Hầu hết người dân ở vùng nông thôn của Bhutan phải sống dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp trên các dãy núi cao - nơi dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Địa hình trắc trở, lũ lụt thường xuyên và lở đất đang cản trở sự phát triển của quốc gia này. Sự kết nối giữa nông thôn và thành thị không được sâu sắc. Ti vi chỉ mới xuất hiện vào năm 1999, và ở thủ đô thậm chí còn chẳng có đèn giao thông.
"Người ta thường hiểu nhầm rằng đất nước chúng tôi là nơi hạnh phúc nhất trên thế giới", Tshoki cho biết. "Tôi không nghĩ Bhutan là đất nước hạnh phúc nhất".
"Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi khác biệt so với các quốc gia khác đó là việc chúng tôi có tầm nhìn rõ ràng", cô nói. "Chúng tôi muốn trở thành một quốc gia có đủ điều kiện để phát triển không chỉ về mặt kinh tế mà còn nhiều mặt khác, chẳng hạn như môi trường, cộng đồng, tiếp cận y tế và giáo dục,..."
Vị Thủ tướng đặc biệt của Bhutan
Muốn biết người dân Bhutan sống như ra sao, chỉ cần nhìn vào vị Thủ tướng 50 tuổi của quốc gia này là rõ. Ngày nào ông cũng luyện tập, nhưng cứ thứ 5 là ông sẽ lại đạp xe lên đỉnh đồi ở ngoại thành Thimphu - thủ đô của Bhutan. Mục tiêu của ông Lotay là bức tượng Phật cao 51m - một trong những bức tượng cao lớn nhất thế giới. Đạp xe là cách để vị Thủ tướng này rèn luyện sức khỏe, đồng thời là một phương pháp thiền và cầu nguyện nhằm tăng cường trí tuệ.
"Khi chúng tôi nhắc đến sự khỏe mạnh, đó không chỉ là sức mạnh thể chất", ông Lotay cho biết. "Đó còn là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của các nơron thần kinh. Những bài tập kia chính là yếu tố giúp các nơron của chúng ta được khỏe mạnh".
Sau khi đạp xe, ông Lotay sẽ đến bệnh viện. Là bác sĩ tiết niệu kiêm bác sĩ phẫu thuật hơn 20 năm nay, ông luôn hạnh phúc vì được tiếp tục công việc này kể cả khi đã làm Thủ tướng. Thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, ông sẽ dành thời gian cho đam mê này của mình.
"Vì đến từ một gia đình truyền thống, tôi luôn tâm niệm rằng chúng ta nên giúp đỡ mọi người", ông nói. "Tôi từng nghĩ tôn giáo là giải pháp, nên đã rất muốn trở thành một nhà sư. Thế rồi mẹ hỏi tôi tại sao không trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mọi người. Vậy là tôi quyết định trở thành bác sĩ."
Trong lúc đi thăm bệnh nhân cùng bác sĩ nội trú và thực tập sinh, ông Lotay cố gắng vận dụng những giá trị mà mình đã thực hành, những giá trị mà ông đang sử dụng để đạt được những mục tiêu hàng đầu của Bhutan: chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
"Y tế và giáo dục là những thước đo xã hội tiêu biểu nhất", vị Thủ tướng này cho biết. "Chúng tôi có hệ thống y tế và giáo dục miễn phí, nhưng người dân vẫn chưa được tiếp cận chúng một cách dễ dàng".
"Tôi muốn cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là với những người cần chúng - cư dân khu vực đồi núi", ông nói. Ông Lotay Tshering nói thêm rằng "một đôi tay chỉ có thể làm từng đấy việc. Một con dao cũng chỉ có thể dùng để mổ từng bệnh nhân một".
"Tôi tham gia chính trường chủ yếu là để xem liệu mình có thay đổi được các chính sách", vị Thủ tướng bổ sung. "Cầm 1 con dao mổ, tôi chỉ có thể chữa cho 1 bệnh nhân. Với một nét bút, tôi có thể chữa trị cho cả dân tộc".
Tương lai của Bhutan
Bhutan có thể không phải là nơi hạnh phúc nhất thế giới, nhưng quốc gia này đã đạt được một số bước tiến đáng kể. Hàng nghìn mét đường đã được xây dựng, hàng nghìn mét dây viễn thông được lắp đặt. Các nhà máy thủy điện đang đem lại phần lớn nguồn thu cho quốc gia này.
Ngân hàng Thế giới đã gọi Bhutan là một ví dụ thành công về phát triển, với tỷ lệ đói nghèo giảm dần, cùng hàng loạt tiến bộ về bình đẳng giới, cũng như môi trường kinh tế và chính trị ổn định.
"Chỉ trong vòng 30-40 năm, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng từ 50 lên 70", ông Lotay cho biết. "Nhờ hiện đại hóa, người dân Bhutan đã được tiếp cận với y tế, thực phẩm bổ dưỡng, cũng như có ý thức cao hơn về sức khỏe. Do đó, họ sẽ còn sống thọ hơn nữa trong tương lai".
Thủ tướng Bhutan cũng tự tin cho biết, y tế và giáo dục sẽ vẫn là những ưu tiên hàng đầu, kể cả khi đất nước tập trung phát triển kinh tế.
"Chúng tôi biết rằng tiền bạc hay của cải vật chất không phải là những gì mình thực sự muốn trong đời này, mà là sự bình yên trong tâm hồn và niềm hạnh phúc. Vì thế, tại sao chúng tôi lại muốn đặt chúng làm mục tiêu chính cơ chứ?"
"Chúng tôi phải nghĩ tới những thế hệ tương lai", ông bổ sung. "Do đó, đây là những giá trị của Tổng Hạnh phúc Quốc gia mà chúng tôi áp dụng. Kể cả khi kinh tế không tốt, chúng tôi sẽ vẫn đảm bảo duy trì các giá trị này, vì một cuộc sống bền vững cho thế hệ mai sau".
Theo Trí thức trẻ/CNN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét