Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Giáo sư Trần Phương nói về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.



.
Phát biểu của GS Trần Phương cựu Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng Bộ Nội Thương (1981-1982), cựu ủy viên Trung ương Đảng, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tại hội thảo góp ý cho văn kiện Đại hội 11 gần 3 năm trước.
Clip này xuất hiện cách đây chừng 10 ngày. Nay NTT blog tổng hợp lại thành 1 entry có chỉnh lý đôi chút cho tiện theo dõi. Do không biết bản rã băng gốc ở đâu nên không dẫn đường link, mong được thông cảm:

Phần 1: CNXH được đưa ra chỉ để bịp thiên hạ

Thế tôi hỏi ông là: bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? Thế ông không nói đến chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu, cái chuyện đó xa xôi, với các nhà học thuật thôi, có phải không? Thế bây giờ chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông?
Chúng ta đã trải qua 70 năm (người Việt Nam thì 20 năm) ông xây dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng đấy, thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có làm
không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi mới… À, người Việt Nam thì giỏi cái chỗ rằng là ông dùng danh từ để ông lẩn trốn. Ông nói là ông ‘đổi mới’ nhưng thực ra ông ‘thụt lùi’.
Tôi có lần viết cho lời nói đầu một bài viết của anh Đặng Phong về tư duy kinh tế. Tôi nói đổi mới thực chất là ông lùi lại. Ông tiến lên chế độ công hữu như bây giờ đó thì ông phải lùi lại rồi. Ông từ chối cái kinh tế tư nhân nhưng ông phải thừa nhận cái kinh tế tư nhân, thừa nhận kinh tế năm thành phần, nhiều thành phần, thậm chí thừa nhận cả chủ nghĩa tư bản. Thế là ông thụt lùi chứ.
Tôi không gọi là thụt lùi mà là bởi vì cái thời kỳ mà ông xây dựng CNXH từ năm 60 cho đến năm 80 là ông theo cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái điều này tôi nói là ông Mác sai, ông Mác sai dự kiến là CNXH, với những đặc trưng đó, là dự kiến của ông Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa nhận rằng ông ý sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi.
Cho nên cái đổi mới của ông nó thực chất là ông lùi lại chứ không phải là ông tiến lên. Lùi lại chế độ sở hữu tư nhân. Ngay cả chế động công hữu ông cũng phải cổ phần hóa bớt đi. Vì công hữu đó, ông có hiệu quả đâu. Trừ mấy thằng to tổ bố thì không ai làm nổi, ông dầu khí này, ông điện lực này v.v… thế còn nói chung một loạt các cái công hữu của ông đó là nó làm bố láo, nó tiêu tốn đất đai và vốn của nhà nước rất nhiều. Nhưng mà ông cứ ôm lấy nó để tưởng là CNXH.
Cho nên tôi nói rằng là chúng ta đổi mới mà thực ra là chúng ta lùi lại chứ không phải đổi mới. Đổi mới là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới. Ông đổi mới theo kiểu đó, theo ông là sai 20 năm rồi, bây giờ ông đổi mới thì ông phải sửa cái sai ấy đi. Nhưng thực chất ông lùi lại. Vâng, vâng, ông trở lại. Bởi vì thế này, thực ra tôi nói là Mác nói là triệt tiêu cái chế độ tư hữu, tôi nói là luận điểm của cụ là sai. Bởi vì 70 năm Liên Xô và Đông Âu, Đông Âu thì 40 năm thôi, ông triệt tiêu cái chế độ tư hữu. Thế là nền kinh tế mất động lực, mất động lực, ông phải lùi lại, thực chất ra ông lùi lại đấy chứ. Việt Nam ta cũng phải lùi lại đấy chứ.
Cho nên tôi nói là chúng ta … đây thì không biết là góp ý kiến rồi để rồi người ta như thế nào, nhưng ý tôi thì thế này này, ông đừng tiếp tục nói như bịp người ta! Tôi nói ví dụ như bây giờ, là vì ông nói là nền tảng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin cho nên rằng tất cả các trường ông đều bắt nó dạy chủ nghĩa Mác – Lênin. Lắm lúc tôi bảo: trời đất ơi, ba cái thằng trẻ con này đó, nó học một mẩu của chủ nghĩa Mác – Lênin thì nó biết cái gì?! Nhưng mà cứ vẫn phải bắt buộc làm như thế.
Còn bây giờ trong cái cương lĩnh này, trong cái gì này… thì ông đều nói chủ nghĩa Mác – Lênin và ông đều nói XHCN, nhưng tôi hỏi các anh đây, các anh đây là người đọc sách nhiều nhất rồi đây. Tôi hỏi ông CNXH bây giờ là cái gì? Tôi đố ông trả lời được đấy?!
Cái điều mà ông Mác nói về CNXH là chế độ công hữu chiếm địa vị thống trị. Còn ông, thu hẹp cái sở hữu tư nhân đi đến xóa bỏ sở hữu tư nhân, rồi thị trường tự do. Ông làm lộn ngược rồi. Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác!
Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? Có nhiều người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu là gì, “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh”, đó là CNXH. Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải CNXH!
Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh: anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na Uy chưa? Nó không xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn minh thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh” mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy! Tôi nghĩ không đúng. Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông!
Đại hội X, tôi đã nói trước Bộ Chính trị trước khi các anh đưa … bởi vì thế này này: tôi được cái ưu điểm là người ta mời mình vì mình là một thằng lão thành, lâu năm quá rồi mà chưa chết cho nên người ta cũng mời mình phát biểu. Nhưng tôi nói là các anh định nghĩa cho tôi nghe là cái CNXH mà chúng ta chủ trương đây là nó là cái gì? Cũng không ai trả lời. Rồi tôi hỏi là: ông nói định hướng cái XHCN thì cái định hướng đó là cái gì? Tôi xin lỗi các nhà lý luận ngồi đây, là ông cũng không trả lời được. Có phải không ạ? Ông nói về định hướng XHCN thì định hướng của ông là cái gì đây, ông nói tôi nghe? Ông bảo là xóa đói giảm nghèo. Xin lỗi ông, cả thế giới nó làm. Mà Liên hợp quốc nó đang giúp ông hẳn cái việc ấy đó. Thế chả nhẽ nó giúp ông xây dựng XHCN nhà ông đấy à? Xóa đói giảm nghèo, giỏi lắm thì ông nói được cái định hướng XHCN là xóa đói giảm nghèo, nhưng mà ông còn thua xa ba cái thằng tư bản.
Cho nên tôi cảm thấy là … viết thế nào thì tôi chưa nói, nhưng đại để là ông đừng đao to búa lớn quá. Lúc nào cũng là ‘nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin’, lúc nào cũng là ‘định hướng XHCN’ rồi ‘xây dựng CNXH’ và thậm chí bây giờ có chỗ ông còn viết là ‘chúng ta đang quá độ lên CNXH’!”
Mời nghe đầy đủ tại đây:

Phần 2: Chủ nghĩa Xã hội đã thất bại. Chủ nghĩa Cộng sản là ảo tưởng.

Tôi thì nói thật là tất cả những điều tôi nói, là để muốn nói rằng ông đưa ra một cái cương lĩnh, cương lĩnh tức là cái đảng này nó phải tiến lên tới đâu, nó đi theo con đường nào? Thế nhưng mà cương lĩnh của ông đó, ông nói chủ nghĩa Mác – Lenin, thì chủ nghĩa Mác – Lenin, tôi đồng ý với anh Tiến (Đào Công Tiến), có điều đúng và có điều sai rồi. Nhất là những dự đoán của Mác và Lenin nữa về cái gọi là CNXH sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi!
Thất bại thì rõ ràng rồi, ông nói là chế độ công hữu thì chế độ công hữu làm mất động lực của xã hội, ông phải trở lại chế độ tư hữu đấy. Ông nói là chuyên chính vô sản thì ông phải trở lại chế độ dân chủ đấy. Ông nói là phải kế hoạch hóa tập trung cuối cùng ông phải trở lại kinh tế thị trường đấy. Rõ ràng là một sự thất bại rõ ràng rồi. Thế bây giờ ông nói cái gì đây? Cho nên là ông nói chủ nghĩa Mác – Lenin là nền tảng tư tưởng của đảng ta, thì tôi không hiểu các vị xác định là nền tảng tư tưởng, cái gì là nền tảng, còn cái gì không là nền tảng chứ?
Tôi nói ngay như là cái dự đoán của ông Mác về Chủ nghĩa Cộng sản thôi, tôi nghĩ là có thể 100 năm trước đây thì ông nghĩ thế có thể được, có thể được, nhưng bây giờ thì ông không thể nghĩ thế được rồi. Bây giờ cả cái trái đất nó mới có sáu tỷ rưỡi người mà đến nước sạch cũng thiếu rồi đây này, chứ ông đừng nói đến năng lượng nữa, nước sạch cũng thiếu rồi đây này. Thế làm sao mà ông sống, Chủ nghĩa Cộng sản theo kiểu như mô tả là ‘làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’ được? Bất lực hoàn toàn. Cho nên ngay cái Chủ nghĩa Cộng sản cũng trở thành ảo tưởng. Bây giờ không thể nghĩ đến đấy được.
Tôi nói là mới đến thế kỷ 21 này thôi, mới có sáu tỷ rưỡi người thôi, mà người ta nói là hết thế kỷ này nó lên mười tỷ người. Mười tỷ người thì đến nước sạch cũng đang thiếu đây này, đánh nhau vì nước sạch đây này. Trung Đông đánh nhau vì nước sạch đây này. Cho nên, cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản cũng là ảo tưởng, cái gọi là CNXH thực chất cũng thất bại rồi. Cho nên tôi nói là, đương nhiên là chúng ta không thể chấp nhận rằng chúng ta tiến lên CNTB được. À, nó mới khổ thế, nhưng mà không tiến lên CNTB, thì ông tiến lên cái xã hội gì đây? Là ông chưa nghĩ ra.
Thực tình mà nói, tất cả những nhà lý luận ngồi đây các đồng chí đều đã đọc sách rất nhiều rồi. Ông nào vẽ ra được một cái CNXH cho cái dân tộc này, thì ông đó là ông thánh rồi đấy, ông thánh Mác rồi. Chưa, chưa có vị nào làm được đâu!
Khi tôi phát biểu với anh Phạm Văn Đồng và anh Đỗ Mười tôi bảo là cuối thế kỷ này con cháu chúng ta mới nghĩ đến CNXH được. Mới nghĩ đến thôi, chứ còn đã biết CNXH là cái khỉ gió gì mà nghĩ? Nhưng phải đến gần đấy thì mới nghĩ, chứ còn bây giờ thì chúng ta nghĩ cái gì? Cuối cùng ông đã thực thi CNXH thất bại rồi, không có động lực rồi, ông đã trở lại kinh tế nhiều thành phần, ông trở lại kinh tế thị trường, ông trở lại nền dân chủ. Thế bây giờ đó, ông mà cứ nói chuyên chính vô sản người ta chán ông lắm đấy. Có phải không?
Cho nên, tôi nghĩ rằng cái cương lĩnh của ta viết đây không có sức thuyết phục. Còn viết lại như thế nào thì thực ra mà nói mình cũng không viết lại được, mình có thì giờ đâu mà viết lại và những người mà người ta viết ra rồi cũng chả viết lại. Thế thì cuối cùng để làm gì đây? Tôi lắm lúc tôi nghĩ rằng: thôi được, cứ tung ra cho vui vậy thôi chứ chả ai tranh luận. Giỏi lắm là mấy cái thằng lý luận này ngồi đây mà tranh luận, nhưng cuối cùng thì ông cũng không làm gì cả đâu, vì cái người viết lại họ cũng không chịu viết lại và họ cũng không biết viết lại theo cách nào? Nhưng chả lẽ một đảng lại không có cương lĩnh à? À, mới chết ở chỗ đó đó!
Ngay Đại hội X, tôi đã phát biểu thẳng với các anh lãnh đạo rồi, tôi nói là định hướng XHCN là cái gì, các ông phải ghi ra. CNXH mà chúng ta tiến tới là cái gì, các ông phải ghi ra. Nhưng mà một câu thách đố đơn giản vậy mà họ không làm nổi đâu.
Hồi đó, Lưu Bích Hồ còn ngồi trong cái Ban Dự thảo Văn kiện đấy, tôi nói thật là ngay cả anh Lưu Bích Hồ cũng không viết nổi. Tôi đánh đố thế thôi chứ tôi biết rằng là ông không làm nổi. Đấy là nói về cương lĩnh, lúc đó tôi nói như thế. Mục đích tôi chỉ muốn nói rằng là ông viết cương lĩnh mà không rõ ràng, thế thôi, còn chê cái gì thì bảo rằng là mình xây dựng được hay không thì mình có thì giờ đâu, có ăn cơm suốt ngày để mà nghĩ về việc này đâu.
Việc thứ hai là về chiến lược, tôi thì không nói nhiều nhưng tôi xin đề nghị một số điểm thế này. Tôi cảm thấy chiến lược có nhiều điều không rõ ràng. Đối với nước ta thì nông dân bây giờ chiếm 70% dân số mà nếu ông có bớt đi nữa thì cũng còn 50% dân số. Cho nên tôi cho rằng cái việc đầu tư cho nông nghiệp 30 năm nay quá thấp. Đảng ta, Đại hội V mà tôi đã dự đó cũng là người viết văn kiện đó, thì chúng tôi khẳng định rằng phải đầu tư tốt hơn cho nông nghiệp.
Nhưng mà 30 năm nay, chúng ta đầu tư được gì cho nông nghiệp? Không được bao nhiêu đâu. Không được bao nhiêu bởi vì tôi nói ví dụ như là đê, đập không tốt. Đê có tốt đâu, mà nay mai nước nó dâng lên thì đê của ông có là cái gì đâu. Đập nước, một cái nước mà núi cao, đồng bằng thì hẹp, mưa một cái là nó trôi tuột ra biển. Thế ông không có những cái đập, không có những cái hồ làm sao ông giữ được nước. Cho nên một cái nước như thế này phải biết giữ nước ngọt lại mà dùng, phải có hệ thống thủy nông, phải đầu tư vào khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất.
Sắp tới đây, chúng ta sẽ có 100 triệu dân, ông nuôi sống 100 triệu dân đấy thế nào? Hiện nay thì có đồn rằng ông nuôi sống 100 triệu dân có vẻ thoải mái bởi vì ông nghĩ rằng là ông xuất khẩu được, 6 triệu tấn gạo cơ mà. Nhưng xin lỗi, trong khi đó ông lại nhập trên 1 triệu tấn thức ăn gia súc để ông có thịt ông ăn. À, cho nên đó, không phải là ông dồi dào đâu. Tôi nghĩ rằng phải nghĩ nhiều về nông nghiệp nữa, đặc biệt là cái nền nông nghiệp của anh manh mún như thế này. Anh phải tác động thế nào chứ? Ông phải tạo thành như thế nào chứ?
Tôi nói thằng Thailand, nó cũng sản xuất tiểu nông như ông, nhưng nó có hệ thống kho rất tốt để mà xuất khẩu còn ông thì không có. Cho nên tôi nói là rất nhiều chuyện về nông nghiệp ông chưa làm tốt, mà đấy là cái nguồn sống của 100 triệu dân. Tôi cho rằng cái đảng này và cái nhà nước này muốn ổn định xã hội phải lo đến nông nghiệp và nông dân. Ba mươi năm qua tôi chê là chúng ta quá tồi.
Cái thời mà tôi làm tài chính thì cóc có tiền. Tôi xin lỗi, lúc đó thì Liên Xô viện trợ với đi vay được hơn 1 tỷ đô la một năm thôi, thế bây giờ ông có mấy tỷ cơ mà. Bây giờ cái ngân sách của ông mỗi năm là ông có mấy tỷ đô la đấy. Cho nên tôi cho là cái nhận xét của tôi là đầu tư bất cập vào nông nghiệp, cần phải sửa trong cái chiến lược mới này, trong cái mười năm tới đây”.
Mời nghe đầy đủ tại đây:

Phần cuối: Chúng ta tự lừa dối chúng ta và chúng ta lừa dối người khác

“Tôi thì xin có một ý kiến nhỏ thôi: Lúc nãy các anh nói là cái tư tưởng ở trong đảng ta đó nó không có rõ ràng. Tôi thực tình mà nói rằng nó có nguyên nhân để nó không rõ ràng đấy. Ta nên nhớ rằng cái đảng ta đó, bước vào thời kỳ xây dựng đó là trong điều kiện mà quốc tế cộng sản đã có những nghị quyết về đường lối CNXH rất rõ ràng rồi. Tôi nhắc các đồng chí nhớ là năm 1957 tất cả các ĐCS họp lại với nhau ra một nghị quyết là “quy luật tiến lên CNXH là gì?”. Là chuyên chính vô sản này, là chế độ công hữu chiếm địa vị chi phối này, là hợp tác hoá nông nghiệp này, là phát triển kinh tế một cách có kế hoạch này. Tất cả những điều đó rút ra kết luận từ kinh nghiệm của Liên Xô, từ mô hình Xô Viết mà người ta gọi là mô hình Stalinist đấy, đấy là năm 57. Tất cả các ĐCS và công nhân đã ra một nghị quyết đó. Đến năm 1960, cũng một nghị quyết y hệt như thế khẳng định lại tất cả những điều đó là quy luật và dựa vào những kết luận đó, người ta đã khai trừ Nam Tư ra khỏi cái hệ thống XHCN. Nên nhớ đây là một hệ thống tư tưởng của một thời đại.
Cho nên có khi cái hôm mà có đồng chí hỏi tôi là về đồng chí Lê Duẩn, người ta nói là tại sao anh ca tụng anh Lê Duẩn là một người biết nghe như thế mà anh ấy không đổi mới được? Tôi trả lời thế này: anh Lê Duẩn tuy cũng là một người rất là tỉnh táo đấy, nhưng ông ấy cũng nằm trong một hệ thống tư tưởng mà ông không thoát ra được. Ông không thoát ra được, bởi vì thế này, chính ông Lê Duẩn đi họp cái hội nghị 57, hội nghị 60. Ông ấy là những người thiết kế ra cái hệ tư tưởng của cả cái hệ thống XHCN thế giới này. Nó đấy! Cho nên tôi nói thật với các anh đó, khi năm 86 chúng ta đổi mới, thì ông mới chịu cái sức ép của thực tế là ông không thể nào không theo cơ chế thị trường được. Ông phải chịu, nhưng ông chưa kiểm điểm cái tư tưởng của ông đâu.
À, cả một hệ thống tư tưởng bao trùm tất cả những người cộng sản ở cái nước này vẫn như cũ. Vẫn như cũ! Cho nên anh cứ tưởng là đổi mới, anh đã đổi mới được đâu? Cho nên các anh có nói là cái Cương lĩnh năm 91, tôi xin lỗi anh, Cương lĩnh năm 91 y hệt cái hệ thống tư tưởng của cái hệ thống Xô Viết. Có khác gì? Anh phải xem lại 6 điểm mà cái Cương lĩnh 91 ghi, cũng chuyên chính vô sản, cũng công hữu, cũng phát triển có kế hoạch v.v…
Cho nên vì cái người Việt Nam đó, ông không tự kiểm điểm, cho nên cho đến bây giờ cái tư tưởng của ông đó ông vẫn giữ những cái cũ. Tôi xin lỗi anh, khi tôi đọc cái bản mà anh Đỗ Mười viết cách đây mấy tháng đó, rồi anh Lê Khả Phiêu cũng viết luôn nữa, tôi bảo là mấy cái ông này đầu óc cũ quá đi, chết mất thôi. Bởi vì ông có kiểm điểm gì đâu? Ông có tiếp nhận cái tư tưởng như thế nào? Cách đây mấy chục năm thì bây giờ ông vẫn y như thế!
Cho nên rằng tôi nghi ngờ là tôi nói ví dụ như gọi là ban lý luận, Hội đồng lý luận Trung ương. Tôi bảo là mấy chú đó có kiểm điểm mẹ gì đâu, mấy chú là giữ nguyên như cũ, rồi vì ba cái thằng già này rút lui hết rồi thì người ta cử mấy chú vào ngồi đấy, trong đó có Lê Huy Hứa (Tô Huy Rứa), Lê gì gì đấy. Thì tôi xin lỗi, những chú đó đọc bao nhiêu sách của Mác và Lênin? Có lúc nào mà ngồi nghĩ rằng cái tư tưởng nào của Mác là đúng, tư tưởng nào của Mác dự báo, là sai? Chưa bao giờ người ta ngồi nghĩ!
Hôm nay anh Đào Công Tiến bảo là tư tưởng của Mác có cái sai, có cái đúng. Quá đúng rồi! Tất cả những dự báo của Mác về CNXH và về Chủ nghĩa Cộng sản, tôi xin lỗi, tôi nói thẳng là sai. Mà đấy là ông ấy dự báo thôi, tức là ông ấy dự báo dựa trên cái như Lenin nói, tức là ông nghiên cứu cái quy luật của một sinh vật. Rồi từ cái quá khứ của sinh vật đó mà ông ấy nghĩ rằng cái sinh vật đó sẽ phải tiến triển theo cái hướng như thế nào, đấy là dự đoán thôi!
Cái sai của những người cộng sản là ông dựng cái đó thành nguyên lý, ông dựng cái đó thành giáo điều, mà ông giữ chết những cái giáo điều đó thôi. Nhưng tôi xin lỗi, gần như tất cả các nhà lý luận của chúng ta kể cả những người mà hiện nay cầm quyền họ chưa bao giờ có dịp mà ngồi lại kiểm điểm xem là cái gì là đúng, cái gì là sai?! Cho nên tôi nghĩ là lúc nào cũng tụng là ‘nền tảng của chúng ta là chủ nghĩa Mác – Lenin’. Tôi xin lỗi, Lenin có nhiều điều sai. Tôi nói thế này, Lenin nói về hai sách lược là sai: ông nói là cách mạng dân chủ xong phải tiến lên luôn cách mạng XHCN. Không đúng! Chúng ta làm cách mạng dân tộc dân chủ rồi, tôi xin lỗi, phải 100 năm nữa chúng ta mới nghĩ đến được CNXH. Trên 100 năm nữa mà ông nói là ông làm luôn cách mạng XHCN à?
Chính vì chúng ta theo tư tưởng của Lenin là sau cách mạng dân tộc dân chủ thì ta làm luôn cách mạng XHCN. Cho nên chúng ta mới ngã bổ chửng ra. Chúng ta phá hết cả kinh tế tiểu nông, vừa mới chia ruộng cho người ta rồi thì lại bảo là các chú góp ruộng lại, đưa cái hợp tác xã cấp cao tức là…
Cho nên những tư tưởng lý luận, kể cả của Lenin và một số cái của Mác nữa, là sai, mà người Việt Nam chưa lúc nào ngồi tự kiểm điểm cả. Có đúng không? Thực ra mà nói đó, hôm nay chúng ta mới có dịp nói với nhau, công khai tôi cũng chẳng nói bởi vì tôi nói rằng nói cho họ nghe để làm gì, tranh luận mất thì giờ, để thì giờ ta đi dạy trẻ con.
Nhưng mà hôm nay, nói ra để nói rõ rằng, chúng ta có rất nhiều cái mơ hồ, và chính vì cái mơ hồ trong tư tưởng đó cho nên cương lĩnh đầy rẫy những cái sai. Ông nói CNXH mà ông không hiểu nó là cái gì cả. Ông nói định hướng XHCN mà ông không biết cái định hướng nó là cái gì. Ông nói là nền dân chủ XHCN mà ông cóc hiểu dân chủ XHCN khác cái dân chủ tư sản là cái gì! Trong khi đó ông mời hết các cái thằng luật gia của CNTB nó đến nó dạy ông. Nhiều chuyện!
Tôi nói thật là chúng ta tự lừa dối chúng ta, thực ra là phải nói như thế. Và chúng ta tự lừa dối chúng ta và đồng thời chúng ta lừa dối người khác. Tôi nghĩ là cái tệ hại đó phải chấm dứt, phải sửa. Nhưng mà ai sửa? Những người cầm quyền bây giờ họ chẳng có thì giờ mà họ nghĩ đến chuyện đó đâu. Họ cứ miễn là một nhiệm kỳ này họ cứ ngồi đấy, còn nhiệm kỳ sau thì họ về hưu rồi. Tuỳ, thằng nào tiếp tục thì tiếp tục. Cho nên tôi nghĩ rằng đấy là lời bình luận của mình thôi.
Bây giờ không biết là, bốn giờ rưỡi rồi, không biết là có được xin phép mấy câu kết luận không? Tôi thì xin thưa với các đồng chí như lúc đầu tôi nói đó, là người ta cả một cái đảng, cả một cái nước, 5 năm người ta mới có một lần thảo luận về đường hướng của đất nước, người ta mở rộng dân chủ thì không biết hình thức hay là thực chất thì không cần, nhưng miễn là người ta mở rộng dân chủ. Thế thì không lẽ các nhà Kinh tế học, những nhà lý luận có thể nói là rất… của lớp trí thức chứ không phải lớp trí thức bình thường đâu, thế các ông không thảo luận à? Ông không phát huy ý kiến à? Cho nên chúng tôi mới bàn với nhau là thế nào chúng ta cũng nên có một cuộc thảo luận.
Thế nhưng mà có nhằm để sửa như anh Hồ nói không, tôi thực tình là không nghĩ như thế. Tôi chỉ nghĩ là những ý kiến của chúng ta đúng và sai thì tùy, bởi vì không ai phán xét chúng ta. Ông có quyền nói cái ý nghĩ của ông. Hai ý nghĩa, thứ nhất là chúng ta chuyển cho cái Ban Văn kiện, Ban Văn kiện thôi chứ mấy cái ông đứng đầu Ban Văn kiện tức là Bộ Chính trị đó, (mấy) ông ấy làm gì có thì giờ ông ấy đọc, có phải không? Anh biết thừa là họ chẳng có thì giờ đọc. Thế thì cuối cùng là một cái lớp bồi bút, như tôi đã từng làm một bồi bút, rồi đến lượt ông Hồ làm bồi bút thì ông có đọc thì đọc thôi. Và nếu có chen được vào một vài ý mà như ông Hồ đề nghị thì cứ việc. Còn nếu không chen được thì… Đó là ý thứ nhất, mục đích thứ nhất.
Nhưng mục đích thứ hai là gì? Ít ra cũng ghi vào văn bản và lưu ở cái Hội Khoa học Kinh tế này, hoặc ở đâu đó là: cái năm 2010 này đó, đã có một số nhà trí thức góp những ý kiến đó. Vậy thôi. Có thể mười năm sau người ta bảo ừ rất tiếc cái đám trí thức đó có nhiều cái ý đúng mà người ta không tiếp nhận. Vậy thôi! Đó là chuyện của lịch sử, nhưng ít ra để nói rằng, cái giới trí thức của nước này cũng không ngu đến mức nó tự lừa dối nó đâu. Có phải không ạ? Chứ còn hy vọng rằng người ta nghe như giới trí thức này và nhiều trí thức khác, nếu ông hy vọng như thế thì ông hơi ảo tưởng đấy.
Tôi nghĩ rằng nếu ta làm được cái điều mà như chúng ta vừa nói cũng đã tốt rồi. Ít ra chúng ta chứng tỏ với xã hội rằng chúng ta có trách nhiệm đối với xã hội. Khi người ta yêu cầu mình góp ý kiến, mình sẵn sàng nói, nói thẳng cái ý kiến của mình dù có thể đó là sai. Đó là được, tôi nghĩ là nếu chúng ta đạt cái điều này thì cũng tự an ủi mình là mình không phí thì giờ. Có phải như vậy không?”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét