Lê Thương 30.11.2023
Năm tôi lên bảy tuổi, gần đến giờ cơm, mẹ tôi sai tôi đi đến quán nhỏ đầu xóm để mua một chai nước mắm. Khi tôi đến nơi, cửa quán vẫn mở nhưng bà cụ bán quán ấy lại đi vắng nhà, tôi gọi mãi chẳng thấy
ai trả lời...chờ đợi một hồi lâu, phần vì sốt ruột, nếu tôi không mua được nước mắm mang về, tôi sẽ bị mẹ mắng, nhưng nếu đợi quá lâu mẹ tôi sẽ phải đợi cơm.Thấy cửa để trống, tôi rụt rè bước vào trong quán để gọi...nhưng vẫn không một ai trả lời. Bất chợt, nhìn lên bàn trước mặt, tôi thấy một lon sữa hộp đựng đầy những tờ tiền giấy của bà chủ quán xếp ngay ngắn, cuộn tròn và quấn bằng giây thun để gọn trong lon.
Lúc ấy, vì nhà quá nghèo bản thân tôi chưa bao giờ được mẹ cho tiền lần nào để đi học mua quà vặt như những bạn cùng lớp...và lòng tham trỗi dậy khi nghĩ đến điều đó, nghĩ rằng ngày mai đi học tôi cũng sẽ có tiền để mua quà vặt như những bạn cùng lớp. Vậy là tôi đã đến và lấy cắp số tiền 500 đồng của bà chủ quán. Mặc dù cọc tiền ấy rất nhiều nhưng tôi chỉ lấy đúng 500 đồng và đặt lại cọc tiền ấy ngay ngắn vào lon.
Khi tôi vừa bước ra đến cửa, bà chủ quán cũng đã đi gánh nước về, bà ấy hỏi mua gì? và tôi vừa run vừa trả lời, nhưng rồi bà ấy cũng bán nước mắm để tôi mang về mà cũng chẳng hay biết gì về việc tôi đã lấy cắp số tiền 500 đồng của bà ấy để trong lon.
Trên đường đi về nhà, cảm xúc trong tôi quá hỗn độn, vừa vui mừng vì khi có được số tiền 500 đồng đó, ngày mai tôi sẽ có tiền đến lớp và được ăn quà vặt như những bạn cùng lớp mà không phải xin bạn để ăn giống những ngày trước. Và mặc dù, nếu tôi im lặng việc này, thì bà chủ quán ấy sẽ không bao giờ biết được vì số tiền tôi lấy cắp chỉ 500 đồng, nó quá nhỏ so với cọc tiền rất nhiều mà bà ấy đã đặt trong lon. Thế nhưng mặt khác, tôi đã cảm thấy quá xấu hổ với hành động ăn cắp của mình, phần vì lúc ấy tôi đang là lớp trưởng của lớp, hơn nữa lúc ấy tôi nhớ như in những lời dạy của cô giáo rằng: " Không nên ăn cắp vì đó là hành động xấu, và cô giáo cũng dạy rằng nếu có lỗi mình phải biết xin lỗi và biết sửa sai ".
Cuối cùng, cái thiện trong tôi cũng thắng cái ác, vì cảm thấy quá tự xấu hổ cho hành vi ăn cắp của mình. Khi về đến nhà, tôi đã ngay lập tức đặt chai nước mắm xuống bàn cho mẹ tôi, và tôi cầm số tiền 500 đồng ăn cắp đó đến gặp bà chủ quán ấy để trả lại và nói lời xin lỗi. Với mong muốn là được bà ấy tha lỗi và nói lời thông cảm giống như những gì mà cô giáo ở trường đã dạy cho tôi.
Nhưng trái ngược hoàn toàn với những gì tôi mong đợi, khi tôi vừa đến sân gặp bà ấy...tôi đã trả lại cho cho bà ấy 500 đồng, và khoanh tay, quỳ gối:
" Xin lỗi bà con lỡ trót dại, con xin bà tha lỗi cho con ". Vừa giật lại 500 đồng từ tay tôi, bà ấy lập tức chạy vào kiểm tra lon đựng tiền của mình hét lớn, kiểm tra xong bà ấy liền quay ra vung tay tát tôi té lửa. Chưa dừng lại ở đó, bà ấy còn nắm cổ áo lôi tôi về nhà, vừa đi đường bà vừa chửi.
" Đồ con hoang mất dạy ".
Và khi vừa lôi tôi về đến nhà, vừa gặp mẹ tôi bà ấy đã chửi mẹ tôi không tiếc lời:
" Đồ đàn bà mất nết, đàn bà góa chồng không biết dạy con ".
Và tất nhiên, với sức giận của mình, mẹ tôi lại bồi thêm cho tôi một trận đòn chí tử.
Và suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường tôi đã dặn lòng phải đi tìm câu trả lời cho vấn đề đó. Câu trả lời cho vấn đề: Tại sao, trong xã hội này người ta nói đạo lý và người ta hành động nó lại không giống nhau? Điều gì đã biến người ta trở nên ích kỉ và hẹp hòi đến như vậy?
...Năm tôi 18 tuổi, vì mẹ tôi không còn khả năng cho tôi ăn học tiếp tục đại học, tôi viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ nghĩa vụ quân sự, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trong suốt khoảng thời gian huấn luyện 3 tháng quân trường tôi có đến 14 lần biểu dương ở cấp trung đội, 8 lần biểu dương ở đấp đại đội, và 6 lần biểu dương ở cấp tiểu đoàn, 4 lần biểu dương ở cấp trung đoàn và sau khi được đi đào tạo Hạ sĩ quan ở trường quân sự về, tôi tiếp tục được tặng khen thưởng cấp trung đoàn trong 6 tháng đầu năm.
Thế nhưng, khi tuyển chọn để đi thi cử tuyển đào tạo nguồn cán bộ sĩ quan ở miền Nam, tôi lại chẳng có tên. Vì con ông cháu cha đã lấp đầy chỗ.
Trong ngày sinh hoạt chính trị văn hóa tinh thần, buổi ấy, có sự tham dự của Chính ủy của sư đoàn 320 là ông Đại tá Nguyễn Xuân Trương.
Và trong buổi sinh hoạt chính trị văn hóa tinh thần đó, tôi đã rút hết can đảm của mình để đứng lên ý kiến rằng:
" Kính thưa các thủ trưởng, vì gia đình tôi quá nghèo, nên mẹ tôi không thể nuôi tôi ăn học đại học. Nay tôi được biết rằng, đơn vị đang có chủ trương đi thi cử tuyển đào tạo nguồn cho cán bộ sĩ quan miền Nam. Vậy nên, với những gì bản thân tôi đã phấn đấu không ngừng nghỉ trong suốt thời gian từ đầu nhập ngũ cho đến nay tôi mong các đồng chí xem xét, tôi THA THIẾT mong được phục vụ lâu dài trong Quân đội, mong các đồng chí tạo điều kiện cho tôi được đi thi cử tuyển.
Khi vừa nghe tôi nói đến 2 từ " THA THIẾT " cả hội trường cười ồ lên và họ đã chế nhạo tôi. Họ nói: " Đồ điên, con ông cháu cha còn chưa được sĩ quan mày ngồi ở đây mà THA với THIẾT."
Thế nhưng, tôi đã làm được. Khi họ xét duyệt hồ sơ và tất nhiên với những hàng tá thủ tục HÀNH LÀ CHÍNH với mục đích làm cho tôi nản chí và từ bỏ việc đi thi cử tuyển sĩ quan nhưng cuối cùng họ vẫn không thể nào loại được tôi, vì tôi không cho họ cơ hội để từ bỏ những gì tôi đã phấn đấu bấy lâu.
Năm tôi 19 tuổi, sau khi thi đậu cử tuyển và nhập học trường Sĩ Quan Pháo Binh Sơn Tây, Hà Nội.
Môn học đầu tiên tôi được thi là môn HIỂU BIẾT QUÂN ĐỘI CỦA CÁC NƯỚC.
Cả lớp, chỉ duy nhất một mình tôi được 8,2 điểm nhận thấy thực lực của tôi từ ban đầu, cán bộ quản lớp gọi tôi lên phòng và nói thẳng:
" Chung đủ 30 triệu tôi sẽ được xây dựng thành học viên xuất sắc và ra trường với quân hàm Trung úy".
Biết là mẹ tôi không có tiền nhưng trong vô thức tôi vẫn điện về cho mẹ, và câu trả lời mẹ tôi nói:
" Nhà còn không có tiền mua mắm ăn, Má biết chạy đâu ra 30 triệu."
Và tất nhiên, cái suất trung úy đó nó phải thuộc về người khác chứ không phải là tôi. Và đó là lần thứ 2 trong cuộc đời tôi đặt thêm cho mình câu hỏi: Xã hội mà quyền và tiền đi liền với nhau nhưng sao họ lại đặt ra khẩu hiệu công bằng và văn minh?
Năm tôi 20 tuổi, cũng tại giảng đường trường sĩ quan Pháo Binh, ấn tượng khiến tôi không thể nào quên với môn học "TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH". Trong những bài học về nội dung môn học này, các giảng viên của trường đã dạy rất thuyết phục, đã giảng hay như cháo chảy.
Nào là PHẢI CẦN, PHẢI KIỆM, PHẢI LIÊM, PHẢI CHÍNH VÀ PHẢI CHÍ CÔNG VÔ TƯ.
Nhưng mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như khi thi kết thúc môn học TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH đó, Đại đội không bắt đóng mỗi học viên 50.000 đồng để đi phong bì gọi là bồi dưỡng cho giảng viên dạy về CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH CHÍ CÔNG VÔ TƯ để họ chiếu cố điểm thi để lấy chỉ tiêu, thì đã không xảy ra trong vấn đề tư tưởng của tôi.
Và rồi chuyện gì đến cũng đã đến, cuối cùng khi gần cuối khóa học sĩ quan tôi đã có câu trả lời cho mình. Tuy lúc đó còn mơ hồ, nhưng tôi đã định hình được trong đầu, có lẽ mình sẽ không chung đường với bọn cộng sản trong tương lai.
Và sau tất cả những gì trải qua của cuộc đời đến giờ tôi đã có câu trả lời cho mình...
CƠ CHẾ CHÍNH TRỊ TẠO RA VĂN HÓA RỪNG XANH.
BỘ MÁY CÁN BỘ TẠO RA CON NGƯỜI DỐI TRÁ .
Đừng lấp liếm, đừng ngụy biện. Không ai tin cho cái lập luận rằng:
KHÔNG PHẢI DO CƠ CHẾ ĐÂU!
Và cũng không còn ai đủ kiên nhẫn với câu trả lời:
ĐÂU ĐÓ VẪN CÒN MỘT SỐ CÁN BỘ LÀM SAI...
( Nhưng còn dài nữa để ngày sau kể tiếp và lúc đó sẽ có kết luận rằng NÓI NHƯ VẬY VÌ SAO?)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét