Các nhân viên Huawei tiết lộ rằng trụ sở chính tại Thâm Quyến đang đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Thế nhưng mọi chuyện đang chuyển biến xấu hơn, sau khi chính quyền tổng thống Donald Trump
tung ra đòn trừng phạt mới nhất. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách, khiến cho TSMC cần phải xin cấp phép mới được sản xuất chip cho Huawei, do dây chuyền sản xuất chip của TSMC sử dụng công nghệ và thiết kế của Mỹ.
Huawei bị đặt vào tình trạng khẩn cấp, khi mà số linh kiện trong kho sắp hết.
Ban giám đốc điều hành của Huawei tổ chức hàng chục cuộc họp, tuy nhiên không có bất kỳ giải pháp nào giúp công ty vượt qua được khó khăn hiện nay. Mặc dù Huawei có thể đặt mua những con chip của Samsung hoặc MediaTek, nhưng số lượng đơn hàng quá lớn khiến cho cả hai nhà sản xuất này không thể đáp ứng được.
Mỹ sau một loạt những đòn trừng phạt nhằm vào Huawei, cuối cùng cũng tìm ra được điểm yếu của gã khổng lồ Trung Quốc. Đó chính là đơn vị sản xuất chip HiSilicon, được thành lập cách đây 16 năm, nỗ lực không ngừng để có thể tự sản xuất những con chip xử lý của riêng mình, nhờ đó mà không phải phụ thuộc vào các công ty của Mỹ. Thế nhưng thật trớ trêu thay, cho đến tận bây giờ thì HiSilicon vẫn phải sử dụng thiết kế chip của Mỹ.
Sự thật là tất cả các nhà sản xuất chip trên thế giới, từ TSMC cho đến SMIC đều cần những thiết bị và phần mềm sản xuất của các công ty Mỹ, như Applied Materials để có thể sản xuất chip xử lý cho Samsung, Apple hay Huawei. Với quy tắc mới mà Mỹ đưa ra, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất như TSMC bị phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của Mỹ. Mà do đó, bất kỳ thiết kế chip nào của HiSilicon cũng không thể tự sản xuất, mà chỉ là những bản vẽ trên giấy.
Các giám đốc của Huawei đã cố gắng tìm ra giải pháp, nhưng không thể. Về cơ bản, việc sản xuất những con chip thế hệ mới mà không cần đến công nghệ của Mỹ là điều không thể. Từ những tấm wafer cơ bản nhất, cho đến máy móc sản xuất, quy trình quang khắc cực tím của ASML Holding (mặc dù là công ty Hà Lan nhưng các máy quang khắc vẫn sử dụng công nghệ Mỹ).
Huawei chính là trung tâm của dự án Sáng kiến Cơ sở hạ tầng mới trị giá 1,4 nghìn tỷ USD của Bắc Kinh, nhằm chiếm lấy vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ 5G. Nhưng đến bây giờ, Huawei chưa chắc đã có thể hoàn thành hơn 90 hợp đồng xây dựng hạ tầng cơ sở cho các nhà mạng tại địa phương, chứ đừng nói đến việc xâm chiếm thị trường thế giới.
Điều an ủi duy nhất vào lúc này đối với Huawei có lẽ là thời gian vẫn còn. Theo báo cáo, số lượng linh kiện tồn kho sẽ đủ dùng cho đến hết năm nay. Trong lúc đó, Huawei bắt buộc phải tìm ra biện pháp, nếu không thì sự sụp đổ của gã khổng lồ viễn thông số 1 thế giới sẽ là không thể tránh khỏi.
Tham khảo: Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét