Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Tổng thống Mỹ đọc thông điệp liên bang . TT Mỹ Donald Trump: Không có điều gì ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới có thể cạnh tranh được với Mỹ.

Chúng ta đang có mặt tại một thời điểm có tiềm năng vô hạn, khi Quốc hội mới bắt đầu đi vào hoạt động, còn tôi thì đã sẵn sàng cùng các bạn nỗ lực để đạt được những đột phá lịch sử cho tất cả các công dân của nước Mỹ.
Hàng triệu công dân công dân Mỹ đang dõi theo chúng ta, trong căn phòng tuyệt vời này, và hy vọng rằng chúng ta sẽ không phân chia thành hai đảng phái, mà sẽ lãnh đạo họ như một quốc gia thống nhất.
Do đó, nghị trình mà tôi nêu ra trong tối nay sẽ không phải là nghị trình của phe Cộng hòa hay Dân chủ, mà sẽ là nghị trình dành cho người dân Mỹ.
Rất nhiều người trong số chúng ta cũng đã từng tranh cử với những lời cam kết cốt lõi giống nhau, trong đó bao gồm đảm bảo việc làm cho người dân Mỹ, đòi công bằng thương mại cho những người lao động Mỹ, xây dựng và khôi phục lại cơ sở hạ tầng của quốc gia, giảm thiểu chi phí dịch vụ y tế và
tiền thuốc kê đơn, tạo ra một hệ thống nhập cư an toàn, hợp pháp, hiện đại và vững chắc, và theo đuổi một chính sách đối ngoại mà trong đó lợi ích của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 3.
Chính trị Mỹ đang đứng trước một cơ hội mới, nếu chúng ta có đủ can đảm để cùng nhau nắm bắt lấy nó.
Thắng lợi không phải là giành chiến thắng cho phe phái của mình. Thắng lợi phải là giành chiến thắng cho đất nước mình.
Năm nay, nước Mỹ sẽ đánh dấu hai mốc kỷ niệm quan trọng, chứng minh rằng tầm nhìn của nước Mỹ và sức mạnh của lòng tự trọng của nước Mỹ vĩ đại đến thế nào. Tháng 6 năm nay, chúng ta sẽ kỷ niệm 75 năm ngày bắt đầu "cuộc thập tự chinh" - theo cách gọi của Tướng Dwight D Eisenhower - chiến dịch giải phóng đồng minh châu Âu của Mỹ trong Thế chiến II.
Ngày 6/6/1944, quân Anh, Mỹ đổ bộ vào miền Bắc nước Pháp, 15.000 binh sĩ Mỹ trẻ tuổi đã đổ bộ từ trên không, cùng 60.000 binh sĩ khác đổ bộ từ phía biển để chiến đấu bảo vệ nền văn minh của chúng ta.
Ngày hôm nay, ba trong số những vị anh hùng ấy đang có mặt với chúng ta trong căn phòng này: Binh nhất Joseph Riley, thượng sĩ Erving Walker và trung sĩ Sartman Zeitcheck. Xin được chào mừng các vị.
Trong năm 2019, chúng ta cũng sẽ kỷ niệm 50 năm ngày các phi hành gia trẻ tuổi dũng cảm đã thực hiện chuyến hành trình bay 1 triệu dặm trong không gian để cắm lá quốc kỳ Mỹ trên mặt trăng. Ông Buzz Aldrin, một trong những phi hành gia trên tàu Apollo 11 đã cắm lá cờ ấy, cũng có mặt tại đây với chúng ta ngày hôm nay.
Xin cảm ơn ông, ông Buzz. Năm nay, các phi hành gia của Mỹ sẽ tiếp tục du hành không gian bằng các tên lửa của Mỹ.
Trong thế kỷ 20, nước Mỹ đã chiến đấu vì tự do, đem lại nhiều đột phá trong khoa học, tái định hình tầng lớp trung lưu, và rõ ràng là không có điều gì ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới có thể cạnh tranh được với Mỹ.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 4.
Bởi vậy, nên bây giờ chúng ta phải mạnh dạn và dũng cảm bước sang chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ. Chúng ta phải tạo ra một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21.
Chất lượng cuộc sống tuyệt vời cho tất cả các công dân của nước Mỹ đang ở trong tầm tay ta. Chúng ta có thể giúp cho các cộng đồng của nước Mỹ trở nên an toàn hơn, gia đình mạnh mẽ hơn, văn hóa phong phú hơn, đức tin sâu sắc hơn, và tầng lớp trung lưu của nước Mỹ lớn hơn, giàu có hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, chúng ta phải bác bỏ những động thái chính trị có tính chất thù hằn, chống đối và trừng phạt, đồng thời nắm lấy những tiềm năng hợp tác, thỏa hiệp và đem lại lợi ích chung.
Cùng nhau, chúng ta có thể phá vỡ hàng thập kỷ chìm trong bế tắc chính trị. Chúng ta có thể nối liền tất cả những sự bất hòa, chữa lành những vết thương cũ, xây dựng các liên minh mới, tạo ra các giải pháp mới và mở ra những triển vọng phi thường cho tương lai của nước Mỹ.
Quyết định đang nằm trong tay chúng ta. Chúng ta phải lựa chọn giữa vĩ đại hoặc bế tắc, đạt được kết quả hay chống đối, tầm nhìn xa hay sự thù hằn thiển cận, sự tiến bộ đáng kinh ngạc hay sự hủy diệt vô nghĩa. Tối nay, tôi xin được yêu cầu các bạn lựa chọn sự vĩ đại.
Trong vòng 2 năm qua, chính quyền của tôi đã hành động với sự khẩn trương và tốc độ lịch sử để đối mặt với những vấn đề bị chính các lãnh đạo lưỡng đảng xao nhãng trong rất nhiều thập kỷ. Chỉ trong vòng hơn 2 năm kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống, chúng tôi đã đem tới sự bùng nổ kinh tế chưa từng có tiền lệ, một sự bùng nổ hiếm thấy trước đây.
Chưa từng có chuyện như vậy xảy ra. Chúng tôi đã tạo ra 5,2 triệu việc làm mới, và quan trọng hơn cả là thêm 600.000 công việc mới trong ngành sản xuất; hầu hết mọi người đều cho rằng điều này là bất khả thi, nhưng thực tế là chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 5.
Mức lương của người lao động đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là đối với tầng lớp công nhân - đúng như lời hứa của tôi. Mức lương của họ tăng nhanh hơn tất cả những đối tượng khác. Gần 5 triệu công dân Mỹ đã thoát khỏi cảnh "tem phiếu" (ND: một chương trình trợ cấp xã hội có tên là Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) của nước Mỹ).
Kinh tế Mỹ ngày nay đang tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp đôi so với thời điểm tôi nhậm chức, và không ai có thể gọi kinh tế Mỹ là "nền kinh tế nóng" được.
Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua. Thậm chí tỉ lệ thất nghiệp trong các nhóm người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha - Mỹ-Latinh, và người Mỹ gốc Á cũng đều giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận.
Tỉ lệ thất nghiệp của những người khuyết tật tại Mỹ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hiện nay nước Mỹ đang có nhiều người lao động hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Cụ thể là 157 triệu người đang tham gia lao động.
Chúng tôi cũng đã thông qua một dự luật cắt giảm thuế lớn cho các gia đình lao động, và tăng gấp đôi khoản tín thuế dành cho người nuôi con.
Thực tế, chúng tôi hầu như đã xóa bỏ các loại thuế tài sản, hay còn được gọi là "thuế chết" cho các doanh nghiệp nhỏ, nông trại và trang trại gia đình.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 6.
Chúng tôi cũng đã loại bỏ mức phạt cá nhân bắt buộc được quy định trong chương trình bảo hiểm Obamacare, sau khi nhận được lời than phiền của rất nhiều người. Và chúng tôi cũng đã thông qua dự luật giúp cho những người mắc bệnh nặng được tiếp cận và thử nghiệm các phương pháp chữa trị phù hợp.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền của tôi đã loại bỏ nhiều quy định hơn bất kỳ chính quyền nào khác trong toàn bộ nhiệm kỳ của họ. Nhiều công ty của Mỹ đã quyết định trở về nước nhờ các quyết định mang tính lịch sử như cắt giảm thuế và điều chỉnh quy định.
Chúng tôi cũng đã mở ra một cuộc cách mạng trong ngành năng lượng của Mỹ - hiện nay nước Mỹ là nhà sản xuất dầu mỏ và khí tự nhiên số một trên thế giới. Và lần đầu tiên sau 65 năm, chúng ta lại là nước xuất khẩu năng lượng ròng.
Sau 24 tháng phát triển thần tốc, nền kinh tế của nước Mỹ đã trở thành thứ khiến cho cả thế giới ghen tị, quân đội của chúng ta là lực lượng hùng mạnh nhất trên Trái đất cho đến lúc này, và nước Mỹ một lần nữa đang thắng lợi từng ngày.
Gửi tới các thành viên của Quốc hội: Liên bang của chúng ta rất vững chắc. Đất nước của chúng ta rất sôi động, và nền kinh tế của chúng ta đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo số liệu mới được công bố hôm thứ 6 tuần trước (1/2), chúng ta đã tạo ra thêm 304.000 việc làm trong tháng trước - gần gấp đôi so với con số được kỳ vọng. Phép màu kinh tế đang diễn ra tại Mỹ - và nó chỉ có thể bị ngăn chặn bởi những cuộc chiến tranh, các làm chính trị ngu ngốc, hay những cuộc điều tra đảng phái lố bịch.
Nếu muốn hòa bình và luật pháp được thực thi, thì chiến tranh hay điều tra không thể tồn tại. Mọi chuyện không hoạt động theo cách đó.
Chúng ta phải đoàn kết trong nội bộ để đánh bại các đối thủ của nước Mỹ ở bên ngoài.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 7.
Kỷ nguyên hợp tác mới có thể bắt đầu ngay bằng việc xét duyệt hơn 300 ứng cử viên trình độ cao được đề xuất nhưng vẫn chưa được Thượng viện thông qua - nhiều người thậm chí đã phải chờ đợi đến vài năm. Việc Thượng viện không phê duyệt các hồ sơ này là rất không công bằng đối với các ứng cử viên và đất nước của chúng ta.
Đã đến lúc lưỡng đảng phải hành động. Dù các bạn tin hay không, thì chúng tôi cũng đã chứng minh rằng đó là điều hoàn toàn khả thi.
Tại Quốc hội cũ, hai bên đã cùng nhau thông qua một đạo luật chưa từng có để giải quyết cuộc khủng hoảng opioid (thuốc gây nghiện), luật Nông trại (Farm Bill), cải thiện việc chăm sóc y tế cựu chiến binh, và sau hơn 4 thập kỷ bị bác bỏ, cuối cùng thì đạo luật Trách nhiệm với cựu chiến binh cũng đã được thông qua, khiến những người có hành động ngược đãi các cựu chiến binh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Và chỉ vài tuần trước thôi, cả hai đảng đã cùng thống nhất khi ban hành một đạo luật cải cách đột phá trong lĩnh vực tư pháp - hình sự.
Năm ngoái, tôi đã nghe một số người bạn kể câu chuyện về Alice Johnson và vô cùng xúc động. Năm 1997, Alice bị kết án tù chung thân với cáo buộc là tội phạm ma túy phi bạo lực lần đầu tiên. Trong vòng 2 thập kỷ sau đó, Alice đã trở thành một nhà "lãnh đạo" trong tù, cô ấy đã truyền cảm hứng cho các bạn tù của mình, giúp họ lựa chọn một con đường tốt đẹp hơn. Alice đã có tác động lớn đối với những tù nhân ở đó - và còn hơn thế nữa.
Câu chuyện của Alice là minh chứng cho sự bất bình đẳng và bất công tồn tại trong các bản án hình sự - và cho thấy rằng sự bất công ấy cần được khắc phục. Cô ấy đã thụ án gần 22 năm rồi, và sẽ còn phải thụ án cho đến hết đời.
Tháng 6 năm ngoái, tôi đã thay đổi bản án của Alice, và tối nay cô ấy cũng có mặt tại đây cùng với chúng ta. Alice, cảm ơn bạn đã nhắc nhở chúng tôi rằng con người ta luôn luôn có sức mạnh để thay đổi vận mệnh của chính mình.
Khi tôi chứng kiến gia đình tuyệt đẹp của Alice chào đón cô ấy ở bên ngoài cổng nhà tù, chứng kiến họ ôm hôn, khóc và cười, tôi biết mình đã làm điều đúng đắn.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện của Alice, chính quyền của tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với thành viên của cả hai đảng để đưa Đạo luật FIRST STEP (ND: dành cho những cựu tù nhân tái hòa nhập cộng đồng) vào áp dụng. Đạo luật này sẽ thay đổi các bản án bất công đối với các đối tượng trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Đạo luật FIRST STEP được kỳ vọng sẽ cho những người từng là tội phạm phi bạo lực một cơ hội tái hòa nhập cộng đồng trong tư cách một công dân tuân thủ pháp luật. Hiện nay các bang trên toàn nước Mỹ đang đồng loạt thực hiện điều này. Nước Mỹ là một quốc gia tin tưởng vào sự hoàn lương.
Tham dự cùng chúng ta tối nay còn có Matthew Charles từ bang Tennessee. Năm 1996, ở tuổi 30, Matthew đã bị kết án 35 năm tù giam vì hành vi buôn bán ma túy và các tội liên quan. Trong vòng 2 thập kỷ sau đó, Matthew đã đọc hết hơn 30 nghiên cứu về Kinh Thánh, trở thành một thư ký trong văn phòng luật, và cố vấn cho các bạn tù của mình.
Matthew là người đầu tiên được trả tự do theo Đạo luật FIRST STEP. Matthew, thay mặt cho mọi người dân Mỹ, tôi xin chào mừng bạn trở về nhà.
Như các bạn đã thấy, khi chúng ta đoàn kết, thì chúng ta có thể đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc cho nước Mỹ. Do đó, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cần phải hợp lực một lần nữa để đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc gia đang rất cấp bách hiện nay.
Quốc hội còn 10 ngày nữa để thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ, bảo vệ đất nước ta, và gìn giữ vùng biên giới phía Nam đang rất nguy hiểm.
Đã đến lúc Quốc hội Mỹ phải chứng tỏ cho thế giới rằng nước Mỹ cam kết thực hiện việc chấm dứt tình trạng nhập cư trái phép, và đuổi những kẻ lừa đảo, các băng đảng, nhưng tay buôn ma túy và buôn người khỏi đất nước.
Vào thời điểm tôi đang nói, các đoàn người di cư lớn và có tổ chức đang tiến về phía nước Mỹ. Chúng tôi vừa nhận được thông tin là các thành phố của Mexico đã dùng xe tải và xe buýt để đưa những đối tượng nhập cư trái phép ra khỏi khu vực của họ, và đưa các đối tượng đó đến những nơi có an ninh biên giới lỏng lẻo của nước Mỹ.
Tôi đã ra lệnh điều thêm 3.750 binh lính tới khu vực biên giới phía Nam để chuẩn bị đối mặt với các cuộc công kích dữ dội của những đối tượng ấy.
Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Tình trạng vô luật pháp ở vùng biên giới phía Nam của chúng ta là mối đe dọa đối với an toàn, an ninh và tài chính của mọi người dân Mỹ. Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là phải tạo ra một hệ thống nhập cư có khả năng bảo vệ cuộc sống và việc làm của công dân Mỹ.
Điều đó bao gồm nghĩa vụ của chúng tôi đối với hàng triệu người nhập cư đang sống trên đất Mỹ hợp pháp, họ tuân thủ các quy tắc và tôn trọng luật pháp của nước Mỹ. Các công dân nhập cư hợp pháp sẽ làm giàu cho đất nước và củng cố xã hội theo vô vàn cách thức khác nhau. Tôi muốn người ta tới Mỹ, nhưng với điều kiện là họ phải tới Mỹ một cách hợp pháp.
Tôi yêu cầu các vị [Quốc hội] bảo vệ biên giới phía Nam đang rất nguy hiểm của chúng ta, với tình yêu và sự tận tụy đối với các công dân và đối với nước Mỹ.
Không vấn đề nào có thể minh họa rõ ràng sự phân chia giữa tầng lớp công nhân và tầng lớp chính trị bằng vấn đề nhập cư trái phép. Các chính trị gia và nhà tài trợ giàu có luôn kêu gọi mở cửa biên giới, trong khi họ sống đằng sau những bức tường, cổng rào và bảo vệ canh gác.
Trong khi đó, những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động lại phải trả giá cho vấn nạn di cư trái phép hàng loạt: ít việc làm hơn, lương thấp hơn, trường học và bệnh viện quá tải, tỉ lệ tội phạm gia tăng, và mạng lưới an toàn xã hội cạn kiệt.
Sự khoan dung đối với hành động nhập cư trái phép không phải là lòng trắc ẩn, mà là sự tàn nhẫn. 1/3 số phụ nữ bị xâm hại tình dục trong cuộc hành trình dài tới nước Mỹ. Những tay buôn lậu lợi dụng trẻ em nhập cư để lách qua hàng rào an ninh và tiếp cận đất nước của chúng ta.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 9.
Những kẻ buôn người và buôn bán tình dục cũng lợi dụng các khu vực mở giữa các cảng nhập cảnh của Mỹ để đưa hàng ngàn các cô gái trẻ và phụ nữ vào đất Mỹ, sau đó bán họ vào nhà thổ hoặc biến họ thành nô lệ kiểu mới.
Hàng vạn người Mỹ vô tội đã thiệt mạng do sử dụng các loại thuốc gây nghiện chết người được đưa qua biên giới và tràn vào các thành phố của chúng ta, trong đó bao gồm ma túy đá, heroin, cocaine và fentanyl.
Băng đảng man rợ MS-13 hiện đang hoành hành tại hơn 20 bang của Mỹ, và hầu như tất cả thành viên trong băng đảng này đều tới Mỹ qua đường biên giới phía Nam. Chỉ mới hôm qua thôi, một thành viên thuộc băng đảng MS-13 đã bị bắt giam vì một vụ nổ súng chết người trên ga tàu điện ngầm của thành phố New York.
Chúng tôi đang nỗ lực bắt giữ và loại bỏ hàng ngàn thành viên của băng đảng này, nhưng chúng sẽ tiếp tục tràn vào Mỹ nếu chúng ta không thắt chặt an ninh biên giới.
Trong những năm qua, vô số người Mỹ đã bị chính những kẻ nhập cư trái phép ấy sát hại.
Tôi được biết rất nhiều người cha, người mẹ thiên thần và gia đình tuyệt vời - họ đã chịu đựng những nỗi đau thật khủng khiếp mà không ai đáng phải chịu đựng điều đó.
Debra Bissell là một trong số những người đó. Ba tuần trước, cha mẹ của Debra, ông bà Gerald và Sharon, đã bị kẻ trộm đột nhập vào căn nhà tại Reno, Nevada và bị bắn chết. Kẻ trộm đó là một người nhập cư trái phép. Hai người họ năm nay đã ngoài 80 và có 4 người con, 11 cháu và 20 chắt. Tối nay, cháu và chắt của hai ông bà Gerald và Sharon, Heather và Madison, cũng có mặt tại đây.
Gửi tới Debra, Heather, và Madison: Hãy cố gắng nhé. Chỉ có ít người thấu hiểu được nỗi đau của các cháu. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên, và tôi sẽ chiến đấu vì Gerald và Sharon. Tôi sẽ không cho phép chuyện này lặp lại nữa.
Người dân Mỹ không thể mất đi tính mạng chỉ vì chúng ta không thể kiểm soát được vùng biên giới rất nguy hiểm của mình.
Trong hai năm qua, các sĩ quan ICE quả cảm của chúng ta đã bắt giữ 266.000 người nhập cư trái phép, trong đó bao gồm cả những cá nhân bị buộc tội hoặc đã có hành vi phạm tội trong gần 100.000 vụ tấn công, 30.000 vụ tấn công tình dục, và 4.000 vụ giết người.
Tối nay, một trong những anh hùng thực thi pháp luật ấy cũng có mặt ở đây: Đặc vụ ICE Agent Elvin Hernandez.
Khi Elvin còn nhỏ, anh ấy đã cùng gia đình nhập cư theo diện hợp pháp vào Mỹ từ Cộng hòa Dominica. Đến năm 8 tuổi, Elvin đã nói với cha mình rằng anh ấy muốn trở thành một đặc vụ khi lớn lên. Hiện tại, anh ấy là trưởng nhóm điều tra các đường dây buôn bán tình dục quốc tế.
Elvin thường nói rằng: "Nếu tôi có thể đảm bảo rằng những cô gái trẻ này có được công lý của mình, thì tôi đã hoàn thành nhiệm vụ". Nhờ có Elvin và các đồng nghiệp của anh ấy, hơn 300 phụ nữ và trẻ em gái đã được giải cứu khỏi cảnh kinh hoàng, và hơn 1.500 kẻ buôn người dã man đã bị đưa vào sau song sắt trong năm ngoái.
Đặc vụ Hernandez, xin mời anh đứng lên: Chúng tôi sẽ luôn luôn ủng hộ những những đặc nhiệm quả cảm như bạn, và tối nay tôi xin cam kết với các bạn rằng chúng tôi sẽ không bao giờ khai trừ những vị anh hùng của mình khỏi hàng ngũ của ICE.
Chính quyền của tôi đã gửi tới Quốc hội một đề nghị hợp lý nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Nam của nước Mỹ.
Thỏa thuận đó bao gồm hỗ trợ nhân đạo, tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra ma túy tại các cảng nhập cảnh, bịt các lỗ hổng cho phép việc buôn lậu trẻ em, và lên kế hoạch xây dựng một hàng rào hoặc một bức tường vật lý mới để đảm bảo an toàn cho các khu vực rộng lớn giữa các cảng nhập cảnh. Trước đây, hầu hết những người có mặt trong căn phòng này từng bỏ phiếu xây dựng một bức tường, nhưng bức tường ấy chưa từng được dựng lên. Tôi sẽ làm điều đó.
Đây là một hàng rào thép thông minh, chiến lược và có thể nhìn xuyên thấu. Nó không chỉ là một bức tường bê tông đơn giản. Nó sẽ được triển khai tại các khu vực mà lực lượng an ninh cho là cần thiết nhất. Họ sẽ nói rằng khi tường được dựng lên, người ngoài đừng mơ tưởng đến chuyện vượt biên.
San Diego từng là nơi có tình trạng vượt biên trái phép nhiều nhất trên toàn nước Mỹ. Trước yêu cầu của lãnh đạo và người dân ở khu vực này, một bức tường an ninh đã được xây dựng. Và hàng rào mạnh mẽ này gần như đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng vượt biên trái phép trong khu vực.
Thành phố El Paso của bang Texas nằm sát biên giới từng có tỉ lệ tội phạm vô cùng cao - một trong những thành phố có tỉ lệ tội phạm cao nhất nước, và được coi là một trong những thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, sau khi hàng rào được xây dựng, thì El Paso đã trở thành một trong những thành phố an toàn nhất nước Mỹ.
Nói một cách đơn giản, là "bức tường" có tác dụng, và bức tường có thể cứu lấy tính mạng của con người. Bởi vậy, hay hợp tác cùng nhau, thỏa hiệp và đạt được một thỏa thuận có thể thực sự giúp nước Mỹ trở nên an toàn hơn.
Và trong khi chúng ta nỗ lực bảo vệ an nguy của người dân Mỹ, thì chúng ta cũng phải đảm bảo rằng nền kinh tế của nước Mỹ tiếp tục hồi sinh và phát triển nhanh chóng.
Phụ nữ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ nền kinh tế phát triển mạnh, bởi họ đã lấp đầy 58% số công việc mới được tạo ra vào năm ngoái. Và tất cả mọi người có thể tự hào rằng hiện nay ở Mỹ có nhiều phụ nữ tham gia lao động hơn bao giờ hết - và đặc biệt là điều này diễn ra đúng mộ thế kỷ sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đối Hiến pháp, trao quyền bầu cử cho phụ nữ. Và hiện nay chúng ta cũng có nhiều nghị sĩ trong Quốc hội là nữ hơn bao giờ hết.
Là một phần trong cam kết của chúng tôi nhằm nâng cao cơ hội cho phụ nữ trên toàn thế giới, vào thứ 5 tuần này, chúng tôi sẽ chính thức đưa ra sáng kiến Chính phủ đầu tiên về việc trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế ở các quốc gia đang phát triển.
Và để tiếp tục phát triển thành công đáng kinh ngạc trong lĩnh vực kinh tế của chúng ta, thì ưu tiên này là điều tối quan trọng: đó là đảo ngược hàng thập kỷ áp dụng các chính sách thương mại gây nhiều thiệt hại tới nước Mỹ.
Chúng ta đang khiến Trung Quốc hiểu rõ rằng, sau bao nhiêu năm nhằm vào nền công nghiệp của ta, ăn trộm sở hữu trí tuệ của ta, thì việc đánh cắp công ăn việc làm và của cải Mỹ đã đi đến hồi kết.
Do đó, gần đây chúng ta đã áp dụng mức thuế quan nhập khẩu đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, và giờ đây Kho bạc của Mỹ đang nhận được hàng tỉ USD mỗi tháng từ một quốc gia không bao giờ cho chúng ta nổi một xu lẻ.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 10.
Thế nhưng tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã lợi dụng Mỹ, mà tôi đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo và các đại diện của chúng ta đã khiến cho điều này xảy ra.
Tôi rất tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình, và chúng tôi hiện đang thảo luận cho một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc. Nhưng thỏa thuận này phải bao gồm những thay đổi thực sự và thay đổi về cấu trúc để chấm dứt các hoạt động thương mại bất công, giảm tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên và đảm bảo công ăn việc làm cho người Mỹ.
Một trong những sai lầm thương mại lịch sử khác là thảm họa mang tên NAFTA.
Tôi đã gặp gỡ những ngời đàn ông và phụ nữ của bang Michigan, Ohio, Pennsylvania, Indiana, New Hampshire, và nhiều bang khác nói rằng giấc mơ của họ đã bị hủy hoại vì NAFTA. Trong nhiều năm qua, các chính trị gia đã hứa hẹn với họ là sẽ đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn. Nhưng chưa ai từng thử làm điều đó - mãi đến tận bây giờ.
Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada mới của chúng tôi - hay USMCA - sẽ thay thế thỏa thuận NAFTA và đem đến những lợi ích sau đây cho người lao động Mỹ: đem công việc sản xuất trở lại, mở rộng lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ sở hữu trí tuệ và đảm bảo rằng sẽ có nhiều chiếc xe hơi được sản xuất và được đóng lên dòng chữ đẹp đẽ: "made in USA" - một cách đầy tự hào.
Tối nay, tôi cùng yêu cầu các vị [Quốc hội] thông qua Đạo luật Thương mại đối ứng của Mỹ, để nếu một quốc gia áp đặt mức thuế bất công đối với một sản phẩm của Mỹ, thì chúng ta có thể áp dụng ngay mức thuế tương tự đối với sản phẩm mà họ bán cho chúng ta.
Cả hai đảng cần đoàn kết để tái thiết cơ sở hạ tầng đã sụp đổ của nước Mỹ.
Tôi biết rằng Quốc hội rất sẵn lòng thông qua dự luật cơ sở hạ tầng, và tôi cũng sẵn sàng thảo luận cùng các vị về dự luật ấy nhằm cung cấp các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới và quan trọng, trong đó bao gồm đầu tư vào các ngành công nghệ - kỹ thuật trong tương lai. Đây không phải là lựa chọn, mà là một điều cần thiết.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 11.
Một ưu tiên chủ yếu nữa của tôi và tất cả chúng ta là việc giảm thiểu chi phí cho dịch vụ y tế và thuốc kê đơn - và bảo vệ các bệnh nhân từng có bảo hiểm.
Trong năm 2018, với sự nỗ lực của chính quyền của tôi, giá thuốc đã giảm mạnh nhất trong vòng 46 năm.
Nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn thế. Không thể chấp nhận rằng người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn người dân các nước khác cho cùng một loại thuốc, và thường là các loại thuốc ấy đều được sản xuất ở cùng một nơi. Đây là chuyện rất sai trái và bất công, và cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn điều đó.
Tôi đang yêu cầu Quốc hội thông qua một dự luật có khả năng giải quyết vấn đề tiền chênh lệch toàn cầu, nhằm mang đến sự công bằng và minh bạch về giá cả cho các bệnh nhân người Mỹ. Chúng tôi cũng yêu cầu các công ty dược phẩm, công ty bảo hiểm và bệnh viện tiết lộ giá thực tế nhằm thúc đẩy cạnh tranh và giảm giá thành.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong cuộc chiến chống lại HIV-AIDS. Những đột phá trong khoa học đã khiến giấc mơ tưởng chừng như xa vời ngày càng gần tầm tay ta. Tôi sẽ đề nghị đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thực hiện những cam kết cần thiết về ngân sách nhằm triệt tiêu HIV ở Mỹ trong vòng 10 năm tới. Và cùng nhau, chúng ta cũng sẽ đánh bại AIDS ở nước Mỹ.
Tối nay, tôi cũng đề nghị các vị tham gia cùng tôi trong một cuộc chiến khác, mà tất cả những công dân của nước Mỹ cùng có nguy cơ liên lụy: đó là cuộc chiến chống lại ung thư ở trẻ em.
Có mặt tại đây cùng Melania tối nay là một cô bé 10 tuổi vô cùng dũng cảm, Grace Eline. Kể từ năm 4 tuổi, vào mỗi dịp sinh nhật, Grace đều kêu gọi các bạn bè của mình quyên góp cho bệnh viện nhi St. Jude. Cô bé không hề biết rằng một ngày nào đó, cô bé cũng có thể là một bệnh nhân ung thư.
Năm ngoái, Grace đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não. Cô bé đã được trị xạ ngay lập tức. Cùng lúc đó, Grace vẫn tiếp tục kêu gọi cộng đồng quyên góp ủng hộ, và thu được hơn 40.000 USD cho cuộc chiến chống ung thư. Khi Grace kết thúc đợt điều trị vào mùa thu năm ngoái, các bác sĩ và y tá của cô bé đã rất xúc động khi thấy tấm poster của cô bé: "Ngày hóa trị cuối cùng". Grace - cháu chính là nguồn cảm hứng của tất cả chúng ta.
Nhiều bệnh nhân ung thư nhí đã không được tiếp cận với các liệu pháp chữa trị ung thư mới trong nhiều thập kỷ qua. Do đó, tôi yêu cầu Quốc hội thông qua khoản ngân sách 500 triệu USD trong vòng 10 năm tới để tài trợ cho việc nghiên cứu rất đỗi quan trọng với tình mạng con người này.
Nhằm giúp đỡ các bậc cha mẹ yên tâm công tác, đã đến lúc thông qua việc lựa chọn trường học cho trẻ em Mỹ. Tôi cũng rất tự hào là Tổng thống đầu tiên chi ngân sách quốc gia cho việc nghỉ phép có lương để giúp các phụ huynh mới sinh con có cơ hội gắn kết nhiều hơn với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, hình ảnh đẹp đẽ của tình mẫu tử lại hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta được chứng kiến trong những ngày gần đây trên những màn hình quảng cáo ớn lạnh. Các nghị sĩ New York đã vui mừng khi luật cho phép phá thai trước khi sinh được thông qua. Những đứa trẻ xinh đẹp đó sẽ không bao giờ có cơ hội được chia sẻ tình yêu và ước mơ với thế giới.
Để bảo vệ phẩm giá của mỗi người, tôi yêu cầu Quốc hội thông qua luật cấm phá thai muộn, khi đứa trẻ có thể cảm thấy đau đớn trong bụng mẹ.
Chúng ta hay cùng nhau xây dựng một nền văn hóa biết trân trọng những sinh mạng vô tội.
Phần cuối cùng trong chương trình nghị sự của tôi là về vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Trong vòng 2 năm qua, chúng ta đã bắt đầu xây dựng lại hoàn toàn lực lượng quân đội Mỹ - với 700 tỉ USD trong năm ngoái và 716 tỉ USD trong năm nay. Chúng ta cũng đã yêu cầu các quốc gia khác phải đóng góp phần của họ một cách công bằng.
Trong nhiều năm qua, Mỹ đã bị NATO đối xử rất bất công, nhưng giờ đây chúng tôi đã có thêm 100 tỉ USD trong khoản chi tiêu quốc phòng từ các đồng minh NATO.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 12.
Một trong số những động thái góp phần xây dựng quân đội của Mỹ là việc phát triển hệ thống tên lửa phòng thủ tối tân.
Dưới thời chính quyền của tôi, chúng ta sẽ không bao giờ xin lỗi vì đã thúc đẩy những lợi ích của nước Mỹ.
Ví dụ, trong nhiều thập kỷ trước, Mỹ đã tham gia một hiệp ước với Nga, trong đó chúng tôi đã đồng ý hạn chế và giảm thiểu khả năng của các tên lửa Mỹ. Trong khi chúng tôi tuân theo từng chữ một trong thỏa thuận, thì Nga lại liên tục vi phạm các điều khoản trong đó. Bởi vậy, tôi đã tuyên bố rằng Mỹ chính thức khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, hay còn gọi là INF.
Có thể Nga và Mỹ có thể đàm phán về một thỏa thuận khác, với sự tham gia của Trung Quốc và các nước khác, hoặc cũng có thể không. Dù là trường hợp nào, thì chúng ta [Mỹ] cũng vẫn có nhiều tiền hơn, và có những loại vũ khí tân tiến hơn tất cả các nước khác.
[Vấn đề Triều Tiên] là một phần trong chính sách ngoại giao táo bạo mới của Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Con tin của Mỹ tại Triều Tiên đã trở về nước, việc thử nghiệm hạt nhân cũng đã ngừng lại, và trong 15 tháng qua chưa có vụ phóng tên lửa nào.
Nếu tôi không được bầu làm Tổng thống Mỹ, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến lớn với Triều Tiên, và hàng triệu người sẽ có nguy cơ thiệt mạng. Vẫn còn nhiều công tác phải làm, nhưng quan hệ của tôi với ông Kim Jong Un là tốt, và Chủ tịch Kim cùng tôi sẽ gặp lại nhau tại Việt Nam vào ngày 27-28/2 tới.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 13.
Hai tuần trước, Mỹ đã chính thức công nhận chính phủ và Tổng thống lâm thời (ND: tự xưng) Juan Guaidó của Venezuela. Chúng tôi sát cánh cùng người dân Venezuela trong hành trình tìm kiếm tự do cao quý của họ. [...]
Một trong số những thách thức phức tạp nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt hiện nay là ở Trung Đông.
Cách tiếp cận của chúng tôi dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực - không phải là những thứ lý thuyết mất uy tín đã thất bại trong nhiều thập kỷ qua để mang lại tiến bộ. Vì lí do đó, chính quyền của tôi đã công nhận thủ đô thực sự của Israel - và tự hào mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.
Lực lượng quân đội dũng cảm của Mỹ đã chiến đấu ở Trung Đông trong gần 19 năm qua. Tại Afghanistan và Iraq, gần 7.000 anh hùng Mỹ đã hy sinh tính mạng. Hơn 52.000 binh lính đã bị thương nặng. Và chúng ta đã chi hơn 7.000 tỉ USD ở Trung Đông.
Khi ứng cử vị trí Tổng thống, tôi đã cam kết đưa ra một các tiếp cận mới. Những đất nước vĩ đại không đánh những cuộc chiến tranh bất tận.
Khi tôi nhậm chức, IS còn kiểm soát hơn 51.500 km2 tại Iraq và Syria. Đến nay, chúng ta đã giải phóng được gần như toàn bộ vùng lãnh thổ đó khỏi sự chiếm đóng của những kẻ giết người khát máu này.
Bây giờ, khi Mỹ cùng các đồng minh hợp lực tiêu diệt những tàn dư còn sót lại của IS, đã đến lúc chào đón các chiến binh dũng cảm của chúng ta ở Syria về nhà.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán để đạt được thỏa thuận chính trị tại Afghanistan. Quân đội của chúng ta đã chiến đấu vô cùng quả cảm - và chính nhờ sự dũng cảm của họ nên bây giờ chúng ta mới có thể theo đuổi giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu ấy.
Tại Afghanistan, chính quyền của tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với một số nhóm người, trong đó có Taliban. Khi đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán này, chúng ta sẽ có thể giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ và tập trung vào mục tiêu chống khủng bố. Chúng tôi không biết liệu mình có thể đạt được thỏa thuận hay không, nhưng chúng tôi biết rằng sau hai thập kỷ chiến tranh, đã đến lúc chúng ta nỗ lực vì hòa bình.
Trên hết, các đồng minh hay kể cả đối thủ của nước Mỹ đừng bao giờ hoài nghi về sức mạnh và ý chí bảo vệ người dân của chúng tôi. 18 tháng trước, những kẻ khủng bố đã tấn công tàu USS Cole, và tháng trước các lực lượng của chúng ta đã tiêu diệt thành công một trong những tên thủ lĩnh đã chỉ đạo cuộc tấn công ấy.
Chúng tôi rất vinh dự khi ông Tom Wibberley, cha của thủy thủ Craig Wibberley - một trong 17 thủy thủ đã thiệt mạng trong vụ việc trên - có mặt tại đây tối nay. Thưa ông Tom, chúng tôi xin hứa sẽ luôn luôn nhớ đến những vị anh hùng của tàu USS Cole.
Chính quyền của tôi cũng đã hành động dứt khoát để đối đầu với nhà tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới: chế độ cực đoạn ở Iran.
Nhằm đảm bảo [Iran] không bao giờ có được vũ khi hạt nhân, tôi đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran khủng khiếp. Và mùa thu năm ngoái, chúng tôi cũng đã đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từng được áp dụng đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Chúng tôi sẽ không làm ngơ trước một quốc gia muốn Mỹ phải chết, và đe dọa tiêu diệt toàn bộ người Do Thái. Chúng ta sẽ không bỏ qua cho chất độc của chủ nghĩa bài Do Thái, hay những người truyền bá tín ngưỡng độc hại của nó. Với một tiếng nói chung, chúng ta cần phải đối đầu với sự thù hằn này ở bất cứ nơi nào.
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 15.
Chỉ vài tháng trước, 11 công dân Mỹ gốc Do Thái đã bị sát hại dã man trong một cuộc tấn công bài Do Thái tại giáo đường Tree of Life ở Pittsburgh. Sĩ quan Timothy Matson của lực lượng SWAT đã dũng cảm lao vào làn đạn, và bị trúng 7 phát đạn khi đuổi theo hung thủ.
Timothy vừa trải qua ca phẫu thuật lần thứ 12 - nhưng anh ấy đã cố gắng đến đây với chúng ta tối nay. Sĩ quan Matson: chúng tôi mãi mãi biết ơn sự can đảm của bạn khi đương đầu với cái ác.
Tối nay, chúng ta cũng được đón một người sống sót tại Pittsburgh là Judah Samet. Ông ấy tới giáo đường ngay khi vụ xả súng diễn ra. Nhưng Judah không chỉ sống sót qua vụ việc hồi mùa thu năm ngoái, mà hơn 7 thập kỷ trước, ông ấy cũng đã sống sót trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Hôm nay là sinh nhật lần thứ 81 của Judah.
Ông ấy nói rằng mình vẫn nhớ khoảnh khắc gần 75 năm trước, sau 10 tháng trời ở trong trại tập trung, khi ông và gia đình bị đưa lên một con tàu để chuyển tới một khu trại khác. Đột nhiên, con tàu ấy rít lên rồi dừng lại. Sau đó, một binh sĩ xuất hiện, và gia đình của Judah đã chuẩn bị cho điều tệ nhất. Nhưng rồi cha ông ấy đã bật khóc vì quá vui mừng, khi nhận ra "đó là người Mỹ".
Một người sống sót sau vụ diệt chủng nữa có mặt tại đây hôm nay là Joshua Kaufman, ông từng là tù nhân trong trại tập trung Dachau. Ông nhớ lại rằng mình đã nhìn qua một chiếc lỗ trên chiếc xe chở gia súc khi xe tăng của quân đội Mỹ tiến vào. "Đối với tôi", Joshua nói, "những người lính Mỹ là bằng chứng cho thấy Chúa tồn tại, và họ là những người được Ngài cử xuống".
Trong phần đầu bài phát biểu tối nay, tôi đã vinh danh 3 người lính chiến đấu trong trận đánh đổ bộ vào miền Bắc nước Pháp trong Thế chiến II. Một trong số đó là Herman Zeitchik. Nhưng câu chuyện của Herman chưa kết thúc. Một năm sau, ông ấy đã đổ bộ bãi biển Normandy, và Herman là một trong số những người lính Mỹ đã tham gia giải phóng Dachau.
Herman chính là một trong số những người lính Mỹ đã tham gia giải cứu Joshua từ nơi địa ngục trần gian đó. Và hơn 75 năm sau, Herman và Joshua đang hội ngộ tại căn phòng này với chúng ta, tại nước Mỹ tự do. Herman và Joshua: Sự có mặt của các ông tại đây tối nay chính là niềm vinh dự và tự hào của cả nước Mỹ.
Khi những người lính Mỹ đổ bộ từ trên không xuống eo biển Manche vào sớm ngày 6/6/1944, họ chỉ là những người lính trẻ, chỉ mới 18-19 tuổi, nhưng đã tham gia vào trận chiến quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Hộ không biết liệu mình có sống sót sau trận chiến hay không. Họ không biết liệu họ có được già đi không. Nhưng họ biết rằng nước Mỹ phải giành chiến thắng. Họ đã chiến đấu vì đất nước, và vì những thế hệ chưa ra đời.
Vì sao họ làm điều đó? Họ đã chiến đấu vì nước Mỹ, họ chiến đấu vì chúng ta.
Và với chiến thắng của họ, chúng ta đã đạt được tất cả những gì ta hiện có: bước nhảy vọt trong khoa học, và những tiến bộ vô song của chúng ta với sự bình đẳng và công bằng - tất cả đều trở thành khả thi nhờ vào xương máu, nước mắt, sự can đảm và tầm nhìn của những thế hệ đi trước.
Hãy nghĩ về Điện Capitol, hãy nghĩ về chính căn phòng này, nơi những nghị sĩ tiền nhiệm của các bạn từng bỏ phiếu chấm dứt chế độ nô lệ, xây dựng đường sắt và đường cao tốc, đánh bại chủ nghĩa phát xít, bảo vệ các quyền lợi của người dân, hay đối mặt với một đế chế xấu xa...
Tại đây tối nay, chúng ta có các nhà lập pháp tề tựu từ khắp nơi trên nước Mỹ tuyệt vời. Các bạn đã đến từ những bờ đã của Maine, hay những đỉnh núi lửa của Hawaii; từ những khu rừng tuyết ở Winconsin và sa mạc đỏ của Arizona; từ những trang trại xanh mướt của Kentucky và bãi biển vàng của California. 
Cùng nhau, chúng ta đại diện cho quốc gia phi thường nhất trong toàn bộ lịch sử thế giới. 
Chúng ta sẽ làm gì trong thời điểm này? Chúng ta sẽ muốn được nhớ đến ra sao?
Tôi xin đề nghị các quý ông và quý bà trong Quốc hội: Hãy nhìn vào cơ hội phía trước! Những thành tựu rúng động nhất vẫn còn ở phía trước. Những hành trình ly kỳ nhất vẫn chờ đợi. Những thắng lợi to lớn nhất còn chưa tới. Chúng ta vẫn còn chưa bắt đầu giấc mơ.
Chúng ta phải lựa chọn giữa việc được định hình bởi chính những khác biệt của mình, hay dám vượt qua những khác biệt ấy hay không.
Chúng ta phải lựa chọn giữa việc phung phí những tài sản mình được kế thừa - hay tự hào tuyên bố rằng chúng ta là người Mỹ. Chúng ta làm những điều bất khả. Chúng ta thách thức những điều bất khả. Chúng ta chinh phục những điều ta còn chưa biết tới. 
TT Trump kêu gọi “đoàn kết, hợp tác” trong TĐLB, cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un tại Việt Nam - Ảnh 16.
Đã đến lúc khơi lại trí tưởng tượng của người Mỹ. Đã đến lúc kiếm tìm đỉnh núi cao nhất, phấn đấu vì ngôi sao sáng nhất. Đã đến lúc thắp lại mối liên kết của tình yêu và lòng trung thành, và những ký ức liên kết chúng ta trong vai trò người công dân, người láng giềng, những người đồng bào yêu nước.
Đây là tương lai, là số mệnh, và lựa chọn đang chờ chúng ta quyết định. Và tôi yêu cầu các bạn hãy lựa chọn sự vĩ đại.
Bất kể chúng ta phải đối mặt với thách thức nào, gian nan nào, thì chúng ta cũng phải cùng nhau tiến bước. 
Chúng ta phải đặt nước Mỹ lên hàng đầu trong trái tim mình. Chúng ta phải giữ cho sự tự do sống mãi trong tâm hồn mình. Và chúng ta phải luôn giữ vững niềm tin vào vận mệnh của nước Mỹ - rằng một quốc gia, dưới sự chỉ dẫn của Chúa, phải là niềm hy vọng, lời hứa, ánh sáng và vinh quang giữa tất cả những quốc gia khác trên thế giới.
Xin cảm ơn. Cầu Chúa phù hộ cho các bạn, Chúa phù hộ cho nước Mỹ, và xin chúc tất cả ngủ ngon.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét