Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Công nhận chính thể Việt Nam cộng hòa là một bước tiến về mặt nhận thức. Tuy nhiên để xã hội Việt Nam tiến đến nền văn minh nhân loại, thì phải khẩn trương ban hành luật Đa đảng- Dân bầu- Không bạo lực.

CSVN viết lại lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa không còn là ‘ngụy quyền’

Dù nhà cầm quyền CSVN chưa chính thức công nhận, nhưng với người dân Việt Nam, các tử sĩ VNCH bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc, đã nằm trong tim họ. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ sách lịch sử Việt Nam (15 cuốn) vừa được tái bản lần thứ nhất. Bộ sách này đã được “chỉnh sửa, bổ sung” và khác hẳn ấn bản đầu tiên. Lịch sử Việt Nam đã được viết lại.

Trò chuyện với báo giới nhân dịp tái bản bộ sách lịch sử Việt Nam, ông Trần Đức Cường, chủ biên bộ sách này bảo rằng, công việc “chỉnh sửa, bổ sung” kéo dài chín năm với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia sử học. So với ấn bản đầu tiên, bộ sách lịch sử Việt Nam vừa được tái bản lần thứ nhất có nhiều điểm mới, chẳng hạn xác định vương triều nhà Mạc, vương triều nhà Nguyễn đã có nhiều đóng góp đáng kể cho quốc gia, dân tộc chứ không “phiến diện như trước…”
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ về cuộc trò chuyện vừa kể thì trong lần tái bản đầu tiên, hai điểm mới, đáng chú ý nhất của bộ lịch sử Việt Nam là quan điểm của các sử gia CSVN về Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc.
Ông Cường giải thích, các sử gia CSVN vứt bỏ không sử dụng “ngụy quyền” khi đề cập đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa và “ngụy quân” khi đề cập đến quân lực Việt Nam Cộng hòa, bởi Việt Nam Cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Trong bộ Lịch sử Việt Nam, tái bản lần thứ nhất, chỉ có chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.
Cũng theo lời ông Cường thì lần đầu tiên, trong một bộ thông sử Việt Nam, các sử gia CSVN ghi nhận sự kiện Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam năm 1979. Ông Cường nhấn mạnh, đó là “xâm lược” và người Việt đã đổ rất nhiều xương máu để kháng cự cho đến năm 1988.
Người Việt chưa được đọc bộ lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất, tuy nhiên qua truyền thống Việt Nam, dẫu bộ sách vừa kể có nhiều điểm mới song dường như chưa đầy đủ.
Sau sự kiện ra mắt bộ lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất, qua tờ Tuổi Trẻ, một số sử gia CSVN đã nêu thêm ý kiến về bộ sách này, với mong muốn “nội dung của nó sẽ toàn diện hơn.”
Ông Nguyễn Mạnh Hà, cựu viện trưởng Viện Lịch Sử đảng CSVN, thừa nhận, trước đây, các sử gia CSVN “viết sử theo định hướng, không phản ánh hết sự thật lịch sử nên lịch sử còn rất nhiều khoảng trống.” Theo ông Hà, từ lâu ông đã ủng hộ quan điểm bỏ lối gọi “ngụy quân, ngụy quyền.” Việt Nam Cộng hòa là một thành viên Liên Hiệp Quốc, tham gia các cuộc đàm phán Paris, phải thừa nhận có một thực thể như vậy. Việt Nam Cộng Hòa cũng tỏ ra rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phải thừa nhận chứ không thể né tránh.
Để xiển dương “tinh thần 4 tốt” và “16 chữ vàng,” Việt Nam đục bỏ cả bia ghi công Sư Đoàn 337 của quân đội CSVN đã chặn đứng quân xâm lược Trung Quốc, ở đầu cầu Khánh Khê, tỉnh Lạng Sơn năm 1979. Lịch sử Việt Nam đã từng được các sử gia CSVN trình bày theo mục tiêu “phục vụ chính trị” như thế. (Hình: Thanh Niên)
Ông Hà nói thêm rằng, thông sử Việt Nam phải đề cập cả tới những sai lầm của chính quyền CSVN như: Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng… Nếu cứ tránh những vấn đề thường được gọi là “nhạy cảm,” sai lầm thì lịch sử sẽ không hoàn chỉnh. Ông Hà đòi phải tôn vinh những người lính đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung Quốc. Phải như thế thì mới công bằng.
Nhận định của ông Vũ Dương Ninh, giảng viên Đại Học Quốc Gia Hà Nội, có rất nhiều điểm tương đồng với ông Hà. Ông Ninh đòi lấp những “khoảng trống trong lịch sử” về Việt Nam Cộng hòa, về các sai lầm của chính quyền CSVN (Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng…) bằng cách thu thập sử liệu khách quan, tôn trọng tính khách quan của lịch sử và phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính trị, để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì sử không còn là sử nữa. Theo ông Ninh, phải rạch ròi giữa nói xấu lịch sử và nói ra cái xấu trong lịch sử. Ông Ninh nhắc thêm, sau việc tái bản bộ lịch sử Việt Nam, phải tính tới sách giáo khoa môn Sử.
Hồi Tháng Hai vừa qua, Ban Tuyên Giáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN từng tổ chức một cuộc thảo luận về sử học. Lúc đó, nhiều sử gia CSVN từng công khai than phiền, dưới chế độ Cộng Sản tại Việt Nam, việc trình bày lịch sử Việt Nam tạo ra nhiều khoảng trống vì có quá nhiều “vùng cấm” như: Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng, Việt Nam Cộng Hòa, thuyền nhân Việt Nam, cuộc chiến chống Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc… Do đó phải xác lập một quan điểm mới trong việc trình bày lịch sử. Không nhìn rõ những sai lầm trong quá khứ thì khó tránh cho xe đổ ở tương lai. Không nghiên cứu toàn diện về chính quyền Việt Nam Cộng hòa khó rút ra được bài học nào cho sự nghiệp xây dựng đất nước, cũng như thúc đẩy hòa hợp, hòa giải dân tộc. (G.Đ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét